Làm giả hồ sơ chiếm đoạt tài sản nhưng thoát tội "vì được giúp sức"

Ngàn Sâu| 11/07/2018 15:03

Có hành vi làm giả hồ sơ để chiếm đoạt đất của người khác, nhưng vẫn được cơ quan điều tra khẳng định vô tội. Sự việc này xảy ra tại xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) và đang gây bất bình cho chủ đất cũng như giới am hiểu pháp luật.

ADQuảng cáo

MƯỢN ĐẤT Ở RỒI CHIẾM ĐOẠT

Theo anh Vũ Văn Viển (SN 1975), trú tại thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong), anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Dung (SN 1980) và có một con trai. Trước đây, anh và chị Dung làm ăn phát đạt, có một công ty khá lớn tại Đắk Glong. Năm 2013, vợ chồng anh Viển mua của ông Vòng Say Và, trú tại xã Đắk Som, một lô đất có diện tích 2.754 m², thuộc thửa số 24, tờ bản đồ 04, xã Đắk Som. Sau đó, vợ chồng anh Viển cho anh Hán Quang Dung (người làm thuê cho anh Viển), trú tại xã Đắk Som, mượn căn nhà trên lô đất này làm nơi sinh sống.

Năm 2014, giữa anh Viển và chị Dung xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới ly hôn. Do đó, anh Viển đã yêu cầu anh Hán Quang Dung trả lại căn nhà. Tuy nhiên, Hán Quang Dung đã lần lừa, không trả lại nhà cho anh Viển. Không những thế, đầu năm 2015, anh Viển phát hiện anh Hán Quang Dung làm giả giấy tờ, hồ sơ để chuyển nhượng lô đất và căn nhà cho chính... anh Dung. Trước sự việc, anh Viển đã lập tức đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ việc chuyển nhượng lô đất và tố cáo hành vi của anh Hán Quang Dung tới cơ quan công an...

Anh Viển bức xúc trước quyết định của cơ quan điều tra

Qua tìm hiểu, ngày 24/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Glong đã ra Thông báo số 48/TB về kết quả giải quyết vụ việc. Theo đó, Công an huyện Đắk Glong cho rằng, anh Hán Quang Dung có hành vi gian dối trong việc tạo lập hồ sơ chuyển nhượng lô đất, nhưng việc này là có sự thông đồng, giúp sức của chị Nguyễn Thị Dung. Do đó, hành vi của anh Dung không đủ điều kiện cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Công an huyện Đắk Glong cũng giải thích thêm, do hợp đồng chuyển nhượng đất bị vô hiệu (do anh Viển phát hiện ngăn chặn - P.V), nên không  làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Từ những lập luận này, Công an huyện Đắk Glong đã quyết định không khởi tố hình sự đối với anh Hán Quang Dung.

Đến ngày 17/11/2017, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong cũng ra Quyết định số 02/QĐ-VKS-KT khẳng định, việc Công an huyện Đắk Glong không khởi tố anh Hán Quang Dung là hoàn toàn đúng qui định của pháp luật.

ADQuảng cáo

CHỦ ĐẤT KHÔNG PHỤC

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, anh Viển tỏ ra bức xúc trước quyết định của cơ quan công an cũng như viện kiểm sát. Theo anh Viển, anh Hán Quang Dung có hành vi gian dối rất rõ ràng. Anh Dung đã chủ động làm giả hồ sơ, tài liệu để chiếm đoạt tài sản. Qua giám định, Viện Khoa học hình sự, thuộc Tổng cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng kết luận anh Hán Quang Dung đã làm giả tài liệu trong hồ sơ chuyển nhượng lô đất. Do đó, việc cơ quan chức năng huyện Đắk Glong cho rằng, hành vi của Hán Quang Dung không có tội vì có sự giúp sức của Nguyễn Thị Dung là điều hết sức vô lý.

Ngoài ra, anh Viển cũng không đồng tình quan điểm của cơ quan công an về việc hợp đồng chuyển nhượng đất chưa thành và chưa gây ra hậu quả. "Cái này là vô lý nhất. Bởi vì cái hợp đồng đó là do tôi phát hiện và ngăn lại. Nếu tôi không phát hiện được là tôi mất đất rồi. Rõ ràng việc này là nằm ngoài ý muốn của Dung (Hán Quang Dung - P.V). Vậy tại sao lại nói là cậu ta không có tội ?", anh Viển cho biết.

Căn nhà và lô đất do anh Viển cho anh Hán Quang Dung mượn để ở

Theo một số chuyên gia luật, những phân tích của anh Viển rất có lý. Để minh chứng hành vi của anh Hán Quang Dung là phạm tội, một số chuyên gia luật đã viện dẫn định nghĩa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người nào đó bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản". Ở đây, hành vi làm giả hồ sơ của Hán Quang Dung đã thỏa mãn "hành vi gian dối". Còn việc anh Hán Quang Dung chưa chiếm đoạt được đất của anh Viển là do bị anh phát hiện và ngăn chặn chứ không phải do Dung tự giác dừng lại. Hay nói cách khác, việc Hán Quang Dung chưa chiếm đoạt được đất là do yếu tố khách quan, ngoài ý muốn mang lại, nên cần phải xem xét, xử lý về hành vi phạm tội theo quy định.

Cũng theo các chuyên gia luật, nếu bị kết tội thì hành vi của anh Hán Quang Dung có thêm những tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức (có sự phối hợp, giúp sức của chị Nguyễn Thị Dung), tài sản chiếm đoạt có giá trị lớn.

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (d) Tái phạm nguy hiểm; (đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; (e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; (g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; (c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giả hồ sơ chiếm đoạt tài sản nhưng thoát tội "vì được giúp sức"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO