Lấy "nhân nghĩa" quy phục đối tượng truy nã

Phan Tuấn| 15/11/2016 09:28

Ngoài việc xác minh, truy bắt các đối tượng phạm pháp về chịu tội trước pháp luật, công tác vận động đầu thú luôn là ưu tiên hàng đầu của lực lượng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Dùng cái tâm để vận động

Thiếu tá Ngô Văn Dũng, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh) nhớ lại: Cuối tháng 11/2010, đối tượng Hà Văn Yên (SN 1994), trú tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) bị truy nã về tội “cố ý gây thương tích”. Khi đến nhà Yên, cảnh tượng của gia đình đối tượng vô cùng đáng thương: Mẹ già yếu, bố bị bại liệt, chị gái bị tàn tật cả chân lẫn tay, anh trai bị gãy xương đốt sống lưng không thể đi lại…

Thấy hoàn cảnh khó khăn, bế tắc đó, Thiếu tá Dũng đã gửi cho gia đình Yên 1 triệu đồng để khắc phục bớt những khó khăn. Những lần sau đó, khi đến thăm, Thiếu tá Dũng phân tích cho gia đình đối tượng biết về việc “lưới trời lồng lộng thưa mà khó thoát”, cứ tiếp tục như vậy thì tương lai phía trước của Yên sẽ rất mịt mù. Chắc chắn, mỗi người thân trong gia đình sẽ không ai muốn thấy con em của mình phải chôn vùi tương lai phía trước. Thấy sự chân tình của người lính truy nã, gia đình đã khuyên Yên tự nguyện đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Vì vậy, ngày 12/5/2016 vừa qua, Yên đã vượt hàng trăm cây số, về trực tiếp gặp Thiếu tá Dũng để đầu thú. Trong quá trình chờ xét xử, trước sự khoan hồng của pháp luật, Yên đang được tại ngoại và làm việc ở một xưởng cơ khí ở trên địa bàn huyện Đắk R’lấp. Những ngày lao động ngắn ngủi còn lại trước khi ra tòa, Yên vẫn cố gắng lao động thật tốt để phần nào tháo gỡ những khó khăn cho gia đình.

Yên chia sẻ: “Khi phạm tội, tôi mới 16 tuổi nên chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, nên trốn chạy. Mặc dù nhiều lần muốn quay về đầu thú nhưng vì hoàn cảnh éo le của gia đình nên không thể làm được. Giờ đây khi đã quay về chịu án, tôi mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để sớm hoàn lương, báo hiếu cho gia đình”.

Tương tự, vào năm 1999, đối tượng Lô Khánh Minh (SN 1982), trú tại phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) khi đó mới 17 tuổi có mâu thuẫn tranh chấp đất đai với hàng xóm. Do không kiềm chế được, Minh đã dùng súng bắn chết người, rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng truy nã biết được thông tin Minh thỉnh thoảng vẫn liên lạc với gia đình.

ADQuảng cáo

Để thể hiện sự chân thành, muốn giúp đỡ đối tượng trở về với nẻo thiện, các anh đã hàng trăm lần lặn lội từ tỉnh Đắk Nông qua tỉnh Lâm Đồng để gặp bà Lâm Thị Hồng (mẹ của Minh) tuyên truyền, vận động bà đưa con ra đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Trong những chuyến đi đến gia đình đối tượng, có lần các anh còn đưa bà Hồng đi cấp cứu vì bà bị suy thận nặng. Xúc động trước sự kiên trì và tâm huyết đó, bà Hồng đã thay đổi quan điểm và khuyên nhủ, động viên Minh đang trốn ở Đồng Nai về đầu thú.

“Không đánh người chạy lại”

Theo Thiếu tá Dũng, những đối tượng phạm pháp sau khi gây án thường “cao chạy, xa bay” và ngụy trang cho mình những vỏ bọc hết sức kín kẽ. Tuy nhiên, trong tâm can mỗi đối tượng vẫn còn đó những điều trăn trở, ám ảnh về tội lỗi mà mình đã gây ra. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát truy nã không chỉ truy tìm, lùng bắt mà còn dùng cái tâm để vận động, thuyết phục người nhà cũng như đối tượng ra đầu thú.

Thực tế công việc này không chỉ mất thời gian, phải đi lại nhiều lần mà đòi hỏi lực lượng làm công tác truy nã phải tạo được lòng tin đối với gia đình đối tượng, từng bước chia sẻ, giải thích cho họ hiểu được cái lợi của việc đưa con em ra đầu thú.

Với cách làm như trên, chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh đã vận động được 25 đối tượng truy nã ra đầu thú. Qua thực tế cho thấy, pháp luật luôn thể hiện sự khoan hồng, nhân văn, “không đánh người chạy lại” nhằm giúp đối tượng phạm pháp có được niềm tin quay về nẻo thiện. Điều đó thể hiện qua việc, người phạm tội khi ra đầu thú luôn được các cơ quan pháp luật áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình truy tố, xét xử và thi hành án.

Việc các đối tượng tự nguyện ra đầu thú không những giúp cơ quan chức năng sớm kết thúc vụ án mà còn giảm bớt được chi phí đi truy tìm, truy bắt, tránh bớt sự nguy hiểm khi thực thi công vụ. Mặt khác, các đối tượng phạm tội khi ra đầu thú sẽ được gia đình người bị hại cũng như xã hội có cái nhìn cảm thông, chia sẻ để có thể yên tâm tư tưởng, chấp hành án, sớm quay về với nẻo thiện.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy "nhân nghĩa" quy phục đối tượng truy nã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO