Mua bán bằng giả dễ như... đi chợ

Hiền Ny| 24/07/2017 13:53

Bằng cấp giả không còn là câu chuyện mới. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, tình trạng mua bán bằng giả trở nên dễ dàng, công khai, tràn lan hơn bao giờ hết

ADQuảng cáo

Rao bán công khai

Vào trang tìm kiếm Google gõ từ khóa “mua bằng”, hàng loạt những địa chỉ với những lời quảng cáo nhận làm bằng giá rẻ, uy tín… sẽ hiện ra. Các trang web lambangdaihoc, banbangdaihoc, lambangdaihocchinhquy, lambangdaihocgiare… mời chào: “làm bằng đại học giá rẻ, làm bằng đại học có hồ sơ gốc không cần đặt cọc, làm bằng uy tín, chuyên nghiệp, nhanh chóng”. Không chỉ tại các website, trên facebook, zalo… những lời mời chào, mua bán bằng giả được đăng tải một cách công khai, với số điện thoại, địa chỉ email, mức giá cùng những lời quảng cáo bảo đảm có “uy tín, chất lượng”.

Từ một lời rao bán bằng giả trên facebook, chúng tôi đã nói chuyện với facebooker mang tên T.B.B. ở Đắk Mil (Đắk Nông) hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh. B. nhận làm bằng THPT với giá 4,5 triệu đồng, bằng đại học 5,5 triệu đồng. Người mua chỉ cần cho thông tin, địa chỉ, trường muốn làm bằng giả gửi qua email, sau 2 ngày là sẽ có bằng. Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngờ, sợ bị lộ, người này cam đoan: “Bằng được làm từ phôi thật và trước giờ chưa có trường hợp nào bị lộ hết. Làm ăn uy tín nên không cần đặt cọc, chỉ cần cho thông tin địa chỉ sẽ gửi bằng qua bưu điện, xem hàng lấy tiền”.

Bằng giả được rao bán công khai trên mạng facebook với hàng nghìn lượt like, bình luận

Thử liên lạc với số điện thoại 0961041***, một người đàn ông tên L. cho biết giá làm bằng đại học là 5 triệu đồng, bằng cao đẳng, trung cấp, THPT là 4 triệu đồng. Tất cả những bằng trên đều có bảng điểm, học bạ, bằng công chứng đi cùng. Ngoài ra, bên L. còn nhận làm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, chứng chỉ Anh văn, vi tính các loại.

ADQuảng cáo

Hành vi vi phạm pháp luật

Việc mua bán bằng giả là hành vi hoàn toàn trái pháp luật. Cả người mua và người bán đều ý thức được điều này. Khi bị phát hiện, người mua và người bán bằng giả đều được coi là đồng phạm trong việc thực hiện hành vi làm giả. Thế nhưng, người bán vì tham tiền mà bất chấp làm giả, còn người mua vì ham lợi ích cá nhân mình mà nhắm mắt mua đại.

Đối với nhiều người, bằng cấp được xem như là chìa khóa để “mở cửa tương lai”, là giấy thông hành để bước vào các cơ quan. Vì vậy, không ít đối tượng lười nhác học hành muốn xin được việc, thăng quan tiến chức đã không ngần ngại mua bằng cấp để “hợp thức hóa” hồ sơ, lý lịch của mình.

“Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, người sử dụng bằng cấp giả sớm muộn gì cũng sẽ bị phát giác. Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và xử lý gần 20 trường hợp cán bộ thuộc các cơ quan, ban ngành trong tỉnh sử dụng văn bằng giả. Điển hình như đầu năm 2017, UBND huyện Tuy Đức đã phát hiện và xử lý kỷ luật, cách chức đối với 4 cán bộ chủ chốt của xã Quảng Tâm sử dụng bằng cấp giả.

Việc mua bán bằng cấp là một vấn nạn cần được xử lý một cách triệt để và thích đáng. Bên cạnh việc siết chặt công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ, việc xem xét, bổ sung chế tài cụ thể, quyết liệt hơn là điều hết sức cần thiết nhằm tăng tính nghiêm minh của pháp luật trong việc ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng bằng giả hiện nay.

Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định về văn bằng, chứng chỉ. Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ.

Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán bằng giả dễ như... đi chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO