Mua bán đất rừng trái phép tại Quảng Sơn (kỳ 2): Ai là người “chống lưng”?

Ngàn Sâu| 30/05/2017 10:30

Dư luận ở Quảng Sơn cho rằng, nếu không có sự “chống lưng”, chắc chắn một mình ông Phan Thành Nghĩa không đủ "tầm" để thực hiện hành vi bán đất lâm nghiệp trái phép được.

ADQuảng cáo

Sau khi mua đất tại tiểu khu 1645, bà Đinh Thị Nhung đã trồng cà phê, hồ tiêu

Quan hệ mật thiết với chủ rừng

Tiếp xúc với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Phan Thành Nghĩa cho biết, kể từ khi chuyển qua hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản vào năm 2009, ông đã quen biết, rồi thân thiết với gia đình bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ. Nhờ đó, gia đình ông Nghĩa  được gia đình bà Thoa giúp đỡ rất nhiều trong chuyện làm ăn, nhất là việc kinh doanh, buôn bán gỗ tại Quảng Sơn.

Đầu năm 2016, Công ty được UBND tỉnh giao hơn 158 ha rừng thông tại xã Quảng Sơn để quản lý, bảo vệ, sản xuất và kinh doanh. Khi đó, gia đình bà Thoa đã giao cho ông Nghĩa đứng ra quán xuyến mọi công việc, kể cả từ bảo vệ rừng cho tới các giao dịch khác. Trong quá trình quản lý, điều hành công việc của Công ty, ông Nghĩa đã nhiều lần bỏ tiền riêng của mình để trả lương cho công nhân, xây dựng chốt bảo vệ rừng, làm đường đi...

“Khi đó, thậm chí chị Thoa còn hứa nếu tôi làm tốt thì chị sẽ cắt cho 3 ha đất để tôi sản xuất, nuôi sống vợ con”, ông Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa cho biết, bà Thoa giao Công ty cho ông quản lý chỉ diễn ra bằng miệng chứ không có văn bản, giấy tờ gì. Chỉ một lần, vào ngày 24/3/2017, khi phải đi công tác xa trong thời gian 1 tháng, bà Thoa đã viết giấy ủy quyền (có đóng dấu của Công ty) cho ông Nghĩa quản lý, điều hành Công ty. “Nếu không có sự thân tình, tin tưởng lẫn nhau thì làm gì có chuyện đó (việc ủy quyền – P.V)”, ông Nghĩa khẳng định.

Được bật “đèn xanh” để bán đất ?

Ông Nghĩa thừa nhận hành vi bán đất lâm nghiệp của Công ty là trái quy định, nhưng chỉ là làm theo sự chỉ đạo của bà Thoa chứ không phải tự ý thực hiện. Cụ thể, theo ông Nghĩa, vào đầu năm 2017, bà Thoa đã chỉ đạo ông rằng, nếu ai có nhu cầu mua đất thì cứ bán. Sau đó, bà Thoa và chồng còn vào tận Quảng Sơn để chỉ cho ông những địa điểm, khu vực được bán đất.

ADQuảng cáo

Ông Nghĩa giải thích rằng, vào thời điểm đó, ông nhận thức được việc bán đất rừng như vậy là hoàn toàn trái với quy định pháp luật. Hơn nữa, đất của Công ty thuộc diện đất lâm nghiệp và là đất công, nên nếu người dân đứng ra mua thì rất dễ bị cơ quan chức năng xử lý, khó lòng mà sử dụng được. Do đó, ông đã từ chối việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của bà Thoa.

“Tôi đã nói với chị Thoa về việc đó, nhưng chị ấy bảo cứ làm đi. Mọi việc sau đó chị ấy sẽ lo liệu hết cho. Sau khi nghe chị ấy nói như vậy thì tôi cũng tin tưởng. Bởi vì chồng chị ấy là một “sếp lớn”", ông Nghĩa thuật lại.

Cũng theo ông Nghĩa, sau đó ông đã “tung tiếng” bán đất và chỉ sau một thời gian ngắn, có nhiều người dân đã liên hệ để mua đất. Mặc dù vậy, để đề phòng bất trắc, ông chỉ đồng ý giao dịch và bán đất cho những người nằm trong “đường dây” khép kín do cá nhân ông và Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ tạo ra.

Sau khi mua 2ha đất với giá 700 triệu đồng, ông Diệu đã làm nhà ở

Tính đến nay, ông Nghĩa đã đứng ra bán 8 lô đất (khoảng 6,4 ha), với tổng số tiền thu về là hơn 2,3 tỷ đồng, đúng như kết quả thu thập được của phóng viên Báo Đắk Nông.

Cụ thể, số đất đó đã bán đất cho những trường hợp sau: bà Đinh Thị Nhung, trú tại thôn Quảng Hợp, khoảng 5.000m2, với giá 100 triệu đồng; ông Trần Anh Bằng, trú tại thôn 2, hơn 30m mặt đường quốc lộ 28, với giá 300 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Diệu, trú tại trung tâm xã Quảng Sơn, hơn 2 ha, với giá 700 triệu đồng; ông Lương Hữu Dũng, trú tại thôn R’bút 3A, gần 1 ha, với giá 300 triệu đồng; ông Chu Văn Chung, trú gần chợ Quảng Sơn, hơn 4.000m2, với giá 200 triệu đồng; ông Lê Đình Thi, trú tại thôn R’bút 3A, hơn 3.000m2, với giá 200 triệu đồng; ông Đỗ Văn Đông, trú tại xã Quảng Sơn, khoảng 1,5 ha, với giá 500 triệu đồng và ông Trần Văn Dương, trú gần chợ Quảng Sơn, khoảng 2.000m2, với giá 70 triệu đồng.

Ông Nghĩa khẳng định, sau mỗi lần bán đất và nhận tiền của người dân, ông đều giao lại cho bà Thoa một cách đầy đủ. Phía bà Thoa, sau khi nhận đủ tiền cũng đã chỉ đạo công nhân tiến hành cắm mốc, bàn giao đất cho người dân.

Ở đây xin được nói thêm, sau khi mua đất của Công ty, hầu hết người dân đã đưa vào sử dụng để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, hầu hết những người mua đất đều khẳng định, quá trình sử dụng đất không hề xảy ra bất kỳ “sự cố” nào vì được Công ty và ông Nghĩa bảo lãnh cho.

"Điểm nóng" về phá rừng và tranh chấp đất lâm nghiệp

Thời gian qua, Quảng Sơn là "điểm nóng" về phá rừng và tranh chấp đất lâm nghiệp. Theo Báo cáo số 88/BC-UBND ngày 28/3/2017 của UBND huyện Đắk Glong, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Quảng Sơn đã xảy ra 23 vụ phá rừng, khiến cho hơn 46 ha bị thiệt hại. Địa bàn này cũng xảy ra hàng loạt vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái phép.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán đất rừng trái phép tại Quảng Sơn (kỳ 2): Ai là người “chống lưng”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO