Nâng cao trách nhiệm chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Bình Minh| 11/07/2019 09:42

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, bệnh dịch này đã xuất hiện tại 4 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Cụ thể, tại huyện Krông Nô, địa phương này đã xảy ra 6 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tập trung tại 4 địa phương là Đắk D’rô, Nam Đà, Quảng Phú và thị trấn Đắk Mâm. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn huyện Krông Nô là 91 con, với trọng lượng gần 5.000 kg. Tổng số tiền đã hỗ trợ tiêu hủy lợn ước tính khoảng 190 triệu đồng.

Tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Mil, lực lượng chức năng đã phát hiện 69 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi do vận chuyển từ nơi khác về. Mới đây, cơ quan chuyên môn đã phát hiện đàn lợn 17 con của ông  Bạch Hưng Trung, thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.  

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, công tác phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi cấp bách hơn lúc nào hết. Ngay từ năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với khả năng bệnh dịch xâm nhiễm trên địa bàn; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo về chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.

ADQuảng cáo

Khi xuất hiện bệnh dịch trên địa bàn huyện Krông Nô, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với UBND huyện triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã thành lập, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thành lập các đội phản ứng nhanh để xử lý khi có thông tin về dịch bệnh. Công tác chỉ đạo của tỉnh quyết liệt là vậy, thế nhưng trên thực tế, hoạt động phối hợp trong chống dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh phát sinh nhiều khó khăn và bất cập.

Đến nay, do chưa có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các địa bàn giáp ranh với các tỉnh. Điều kiện cơ sở vật chất tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, không có khu vực nuôi nhốt, cách ly, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật. Việc kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ địa phương có dịch đến các địa phương khác chưa được thực hiện nghiêm theo quy định. Các thương lái trốn tránh việc kiểm dịch, đi đường tắt, lối mở gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.

Việc triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện, thị xã còn gặp không ít những vướng mắc, đó là thiếu nhân viên có chuyên môn về thú y. Việc kiểm tra, đôn đốc triển khai hoạt động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tuyến cơ sở chưa kịp thời. Đến nay, một số địa phương chưa thực hiện kiện toàn hệ thống thú y xã, phường, thị trấn; sau khi thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, việc giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác thú y cho các phòng nông nghiệp-PTNT, phòng kinh tế chưa kịp thời. Các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng  chậm so với kế hoạch của UBND tỉnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.  

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp-PTNT, trong thời gian tới, bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan ra diện rộng. Do vậy, việc nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các ngành, địa phương cần phải được thực hiện một cách quyết liệt và tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO