Nêu cao tinh thần cảnh giác trước tội phạm lừa “chạy việc”

Hoàng Thanh thực hiện| 19/10/2018 09:00

Thời gian qua, một số người dân trên địa bàn tỉnh vì mong muốn con, em mình có việc làm trong các cơ quan nhà nước nên đã bị những kẻ “chạy việc” lừa đảo một số tiền lớn. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp kiêm phát ngôn Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Thượng tá Phạm Thanh Bình

PV: Đồng chí có thể cho biết rõ thực trạng này trên địa bàn tỉnh?

Thượng tá Phạm Thanh Bình: Theo báo cáo của công an các huyện, thị xã, vài năm trở lại đây ngày càng có nhiều người dân tố cáo lên cơ quan chức năng bị lừa “chạy việc” vào cơ quan nhà nước, kể cả “chạy” vào lực lượng vũ trang. Nhận được tố cáo của nhân dân, công an một số huyện, thị xã đã tiến hành điều tra và  đề nghị khởi tố một số vụ án và bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đáng chú ý, nhiều bị can trong số đó là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Quá trình điều tra cho thấy, những kẻ lừa “chạy việc” vào cơ quan nhà nước lừa đảo của nhiều người, với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Điển hình, qua tố cáo của người dân, trong năm 2017, Công an huyện Đắk Song đã điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo “chạy việc” chiếm đoạt trên 300 triệu đồng của Nguyễn Hoàng Nam, nguyên là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đắk Song. Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử phúc thẩm xử phạt 7 năm tù.

Trước đó, một viên chức khác nguyên là cán bộ phòng tiếp dân UBND tỉnh cũng đã bị xử phạt 7 năm tù vì tội lừa “chạy việc” đối với nhiều người, chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

PV: Qua quá trình điều tra của lực lượng công an, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này?

Thượng tá Phạm Thanh Bình: Nắm bắt tâm lý nhiều người mong muốn con em được vào làm việc trong cơ quan nhà nước, thậm chí lực lượng vũ trang nên những kẻ lừa đảo dạng này thường “nổ” mình quen biết với nhiều người có thể xin việc. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy những kẻ lừa đảo dạng này thường lợi dụng tín nhiệm của người bị hại, chiếm đoạt tiền lấy tiền tiêu xài cá nhân, không đưa tiền cho ai. Phần lớn những người bị hại là người quen, hoặc được người quen thân giới thiệu.

Trên thực tế, nhiều người vì quen thân nên khi sự việc vỡ lở, chờ một thời gian dài mới biết bị lừa đảo nên đối tượng có thêm thời gian để lừa đảo nhiều người hơn. Nhiều người khi đưa tiền cho kẻ lừa đảo chỉ viết giấy tay với nội dung vay mượn, thậm chí không có chứng cứ gì vì quá tin cậy.

Đây cũng là một trong những trở ngại cho quá trình điều tra của lực lượng công an. Như tôi đã nói ở trên, đáng buồn là những kẻ lừa đảo “chạy việc” phần nhiều là cán bộ, công chức viên chức biến chất.

PV: Từ thực trạng trên, Công an tỉnh có khuyến cáo gì đến người dân?

Thượng tá Phạm Thanh Bình: Trước tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng có dấu hiệu gia tăng, Công an tỉnh khuyến cáo người dân đề cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu của kẻ lừa đảo dạng này.

Trước hết, nếu dùng tiền để “chạy việc”, người dân cũng phạm vào tội hối lộ nếu có bằng chứng cụ thể. Thứ hai, nếu có nhu cầu xin việc làm, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin tuyển dụng của từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Riêng lực lượng công an, từ năm 2016, Bộ Công an đã có chủ trương tạm dừng tuyển dụng người học ngoài ngành vào lực lượng. Vì vậy, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước và Công an tỉnh Đắk Nông nghiêm túc thực hiện chủ trương này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao tinh thần cảnh giác trước tội phạm lừa “chạy việc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO