Người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe còn phổ biến

Hoàng Thanh| 03/07/2018 09:39

Pháp luật hiện hành đã quy định, khi tham gia giao thông, người điều khiển mô tô, xe máy, ô tô phải đem theo đầy đủ giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, giấy kiểm định (đối với ô tô). Tuy nhiên, trên thực tế, hiện vẫn còn rất nhiều người không tuân thủ quy định này.

ADQuảng cáo

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông mà tình hình tai nạn giao thông giảm 2 mặt về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vẫn còn mắc nhiều lỗi như: chạy quá tốc độ, lấn làn đường, trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép… Đặc biệt, rất nhiều người điều khiển phương tiện không có GPLX, trong đó có cả ô tô.

Trung tá Nguyễn Công Long, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện rất nhiều trường hợp không có GPLX. Trong số 22.503 vụ vi phạm giao thông bị xử phạt hành chính trong 6 tháng đầu năm thì có tới trên 2.000 trường hợp không có GPLX. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là thanh niên và phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Theo Phòng CSGT tỉnh, khi mắc phải lỗi không có GPLX, người điều khiển phương tiện thường mắc thêm nhiều lỗi khác vì không hiểu luật Giao thông đường bộ. Những người vi phạm lỗi không chỉ gây mất an toàn giao thông cho chính bản thân mà còn gây nguy hiểm cho những người khác khi tham gia giao thông.

Cũng theo quy định, khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông là xe máy, mô tô từ 70 phân khối trở lên, người điều khiển từ 18 tuổi trở lên phải có GPLX từ hạng A1. Người điều khiển xe máy, mô tô dưới 50 phân khối và chưa đủ 18 tuổi phải có chứng nhận của cơ sở được cấp phép dạy lái xe tại địa bàn. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau nhiều người vẫn phớt lờ quy định này khi tham gia giao thông.

ADQuảng cáo

Theo quy định tại Ðiều 21, Nghị định số 171 xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì: Người điều khiển xe mô tô, xe máy không mang theo GPLX bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng; không có GPLX bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng; không có GPLX đối với xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 334.448 phương tiện đăng ký, trong đó ô tô: 11.152 chiếc, mô tô, xe máy: 309.580 chiếc và máy kéo các loại là 13.502 chiếc. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông-Vận tải, hiện đơn vị cấp GPLX cho tới thời điểm hiện tại chỉ quá nửa và như vậy rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông không có GPLX.

Để tạo điều kiện cho người dân được cấp GPLX, hiện nay trên địa bàn tỉnh, ngoài 2 cơ sở đào tạo là Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (Gia Nghĩa) và Công ty TNHH GDNN Nam Tây Nguyên (Đắk R’lấp) có dạy lái xe từ hạng A1 trở lên thì còn rất nhiều cơ sở khác. Theo Sở Giao thông - Vận tải, trong năm 2017, đơn vị đã cấp phép cho trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô, giúp người dân thuận tiện trong việc học và được cấp GPLX mô tô, xe máy. Tuy nhiên, nhiều trung tâm dù nỗ lực chiêu sinh nhưng vẫn không đủ thí sinh để mở lớp.

Theo quy định hiện nay, học lái xe hạng A1: 12 giờ, hạng A2: 32 giờ, hạng A3, A4: 80 giờ (lý thuyết và thực hành). Sau khi sát hạch nếu đạt chỉ 1 tuần sau sẽ được cấp GPLX. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ để tham gia học lái xe các loại và được cấp GPLX, không để vi phạm pháp luật và hơn hết bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cho chính bản thân và mọi người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe còn phổ biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO