Người mắc bệnh tâm thần điều trị tại gia đình: Hậu quả khó lường

Linh Thư| 02/10/2018 09:42

Tình trạng người tâm thần gây án không còn xa lạ ở nhiều địa phương. Một cách vô thức, họ đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, gây mất trật tự xã hội, nguy hiểm đến tính mạng của người khác.

ADQuảng cáo

Vụ việc mới xảy ra vào cuối tháng 4 vừa qua là một cảnh tỉnh, khi người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư không được quản lý và điều trị đúng cách. Ngày 19/4, người dân phát hiện bà Nguyễn Thị Phụng, ở thị xã Gia Nghĩa nằm bất động bên cạnh người con trai ruột Nguyễn Văn Khảm ở bên lề quốc lộ 14, thuộc huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Khi được phát hiện, đầu bà Phụng bê bết máu và đã tử vong. Bà Phụng và Khảm đều đã có biểu hiện tâm thần từ trước đó. Khi cả hai mẹ con đang đi bộ dưới trời nắng nóng, nghe mẹ nói: “khổ quá rồi, đánh chết mẹ đi” nên Khảm liền lấy cây củi điều gần đó để đánh chết mẹ mình.

Vô duyên vô cớ đánh người không vì một lý do gì cả, những người bị tâm thần có thể tự gây thương tích cho mình, hoặc gây thương tích, thậm chí là gây án mạng cho người khác. Trên thực tế, tại Đắk Nông cũng đã xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng mà người gây án chính là bệnh nhân tâm thần đang được điều trị, quản lý tại gia đình.

ADQuảng cáo

Lăng Văn Chiến (SN 1974), ở xã Ea Pô (Cư Jút) bị bệnh tâm thần và từng đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần Đắk Lắk. Sau một thời gian trị bệnh, Chiến được cấp thuốc cho về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vì một số lý do, Chiến không uống thuốc điều trị đầy đủ nên nhiều khi bệnh tái phát bất ngờ. Trong một lần lên cơn, Chiến đã dùng dao đuổi, chém chết anh Đàm Xuân Hòa (SN 2002) trú tại xã Đắk D’rông (Cư Jút) khi anh này đang đi khoan giếng thuê cho một người hàng xóm gần nhà của Chiến.

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm khá cao nhưng chủ yếu là điều trị ngoại trú. Để cho bệnh nhân tâm thần điều trị tại gia đình cũng là xu hướng đưa người bệnh trở lại với cuộc sống đời thường, giúp bệnh tình của họ có nhiều khả năng thuyên giảm.

Tuy nhiên, để có thể quản lý ở cộng đồng, tại gia đình phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như đưa người có dấu hiệu bất thường về tâm thần đi khám và điều trị tại các trung tâm chuyên điều trị về sức khỏe tâm thần, bắt buộc bệnh nhân phải uống thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ đã kê, không được tự ý thêm bớt liều hoặc thêm bớt thuốc. Bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc, người thân của bệnh nhân cần quản lý chặt các dụng cụ có tính gây sát thương, không để trong tầm mắt và tầm tay người bệnh để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Đối với bệnh nhân bị bệnh nặng, gia đình không quản lý được thì cần đưa đến điều trị tại các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa người bệnh có thể hậu quả nghiêm trọng, tổn hại cho cộng đồng và xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mắc bệnh tâm thần điều trị tại gia đình: Hậu quả khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO