Nhà đầu tư bỏ bê Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly (Kỳ 2): Hơn 65 ha rừng tự nhiên trước nguy cơ bị xóa sổ

Ngàn Sâu| 31/08/2016 10:39

Cùng với việc giao dự án, UBND tỉnh còn giao cho chủ đầu tư hơn 65 ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ, nhằm giữ môi trường sinh thái cho Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly. Thế nhưng, sau khi được giao rừng, chủ đầu tư dự án lại bỏ bê, không thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ, khiến cho nhiều diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng…

ADQuảng cáo

Chua xót những cánh rừng sinh thái…

Mới đây, phóng viên Báo Đắk Nông đã tiếp cận tại nhiều cánh rừng nằm trong Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, do Công ty Lâu Đài quản lý và chứng kiến rừng nơi đây bị tàn phá một cách nghiêm trọng.

Tại lô 15, khoảnh 9, tiểu khu 1616, hàng loạt cây rừng có đường kính lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ và cưa xẻ để lấy gỗ, chỉ còn lại phần gốc nằm trơ trọi. Còn tại các lô 17, 19 và 20, thuộc khoảnh 7, tiểu khu 1617, rừng đều bị phá tan hoang.

Tại khu vựa phía thượng nguồn thác Lưu Ly, rừng cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Hầu hết những cây gỗ lớn, gỗ quý đều đã bị "lâm tặc" khai thác. Do đó, rừng hầu như chỉ còn lại gỗ tạp, với mật độ thưa thớt.

Một cây gỗ lớn tại tiểu khu 1617 vừa bị đốn hạ

Mặc dù là rừng tự nhiên, nhưng đi sâu vào phía trong rừng lại xuất hiện chằng chịt những lối mòn và cả những tuyến đường rộng thênh thang. Những lối mòn, tuyến đường này đều do lâm tặc tạo ra để khai thác và vận chuyển gỗ. Dọc hai bên những lối mòn, tuyến đường ấy, hàng loạt cây rừng có đường kính rất lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, vận chuyển ra khỏi rừng.

Điều đáng nói, có nhiều điểm rừng bị phá chỉ nằm cách khu nhà điều hành của Công ty Lâu Đài chưa đầy 500m (?). Tại thời điểm mà chúng tôi đi thực tế, có nhiều cây rừng đã bị “lâm tặc” chặt hạ, cắt ngắn và chất thành đống để chờ vận chuyển ra khỏi rừng.

Ngoài việc bị khai thác gỗ, nhiều diện tích rừng của dự án cũng bị người dân chặt phá rồi lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp. Tại tiểu khu 1617, một khoảnh rừng rộng chừng 4 ha đã bị người dân “biến” thành rẫy trồng tiêu. Số trụ tiêu trồng trên diện tích rẫy này cũng được người dân khai thác ngay tại chính rừng của dự án…

Rừng của Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị tàn phá cũng đã khiến cho người dân trên địa bàn tỏ ra bức xúc.

Anh Lê Văn Hòa, trú tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song), phản ánh: “Rừng tại khu vực thác Lưu Ly nhìn từ bên ngoài thì vẫn còn xanh tốt, nhưng thực chất lâu nay đã bị “lâm tặc” khai thác gỗ quý tràn lan, chỉ còn lại rừng tạp. Nếu trong thời gian tới, đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng không sớm vào cuộc thì chẳng mấy chốc nữa rừng nơi đây sẽ bị xóa sổ hoàn toàn".

ADQuảng cáo

Còn ông Bùi Ca Thế, cũng trú tại xã Nâm N’Jang, lại cảnh báo: “Với tốc độ phá rừng như trong thời gian qua thì chẳng bao lâu nữa, dòng thác Lưu Ly sẽ bị cạn kiệt vì mất nguồn nước, môi trường sinh thái xung quanh khu vực thác cũng sẽ biến mất”.

Theo xác nhận của ông Nguyễn Đình Dân, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Đắk Song, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại khu vực rừng của Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly diễn ra hết sức phức tạp. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện, lập biên bản hàng loạt vụ phá rừng tại đây. Điển hình nhất là vụ người dân chặt phá rừng, lần chiếm gần 4 ha đất tại tiểu khu 1617 để trồng tiêu…

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra hiện trường vụ phá rừng

Chủ rừng bỏ bê trách nhiệm bảo vệ rừng…

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cho rừng thuộc Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị tàn phá là do đơn vị chủ rừng bỏ bê nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Cụ thể, mặc dù đã được UBND tỉnh giao rừng từ năm 2010, nhưng cho đến nay, Công ty Lâu Đài vẫn chưa hề thành lập lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Hàng năm, Công ty cũng không xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng và phương án phòng cháy chữa cháy rừng; không triển khai các biện pháp bảo vệ rừng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Dân cho biết: “Đơn vị chủ rừng (Công ty Lâu Đài - P.V) đã bỏ bê, không thực hiện trách nhiệm quản lý diện tích rừng được giao. Thậm chí, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đã nhiều lần mời lãnh đạo đơn vị chủ rừng đến làm việc, bàn về phương án bảo vệ rừng, nhưng hầu như không nhận được hồi âm”.

Trước sự bỏ bê của Công ty Lâu Đài, ngày 27/6/2016, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đã ban hành Công văn số 96/HKL-QLBVR với nội dung đề nghị lãnh đạo công ty đến làm việc và cung cấp đầy đủ hồ sơ, báo cáo về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song còn ra “tối hậu thư”: Nếu đến ngày 5/7/2016, lãnh đạo Công ty Lâu Đài không đến làm việc và cung cấp đầy đủ hồ sơ, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song sẽ báo cáo và đề nghị cơ quan cấp trên tiến hành kiểm tra việc thực hiện dự án của công ty. Thế nhưng, ngày 7/8/2016, làm việc với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Nguyễn Đình Dân khẳng định, Công ty Lâu Đài vẫn chưa hề đến Hạt Kiểm lâm Đắk Song làm việc theo như tinh thần của Công văn số 96.

Nói về công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâu Đài, ông Bùi Quang Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Qua kiểm tra thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy, cùng với việc bỏ bê dự án, Công ty Lâu Đài cũng không thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng được UBND tỉnh giao. Nhiều diện tích rừng của công ty đã bị người dân chặt phá, đất đai bị lấn chiếm. “Nếu còn để tình trạng này kéo dài, tôi e rằng, Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly sẽ “mất cả chì lẫn chài””, ông Mích tỏ ra lo ngại.

Để trao đổi thêm về vấn đề này, ngày 8/8/2016, phóng viên Báo Đắk Nông đã gọi điện thoại cho ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Lâu Đài, nhưng ông Hùng không nhấc máy. Sau đó, phóng viên Báo Đắk Nông đã nhắn tin với nội dung đăng ký làm việc với ông Hùng và cũng không được phúc đáp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư bỏ bê Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly (Kỳ 2): Hơn 65 ha rừng tự nhiên trước nguy cơ bị xóa sổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO