Những giọt nước mắt nơi trại giam

Bài, ảnh: Linh Thư| 14/12/2018 09:07

Vào tù ra tội vì buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, đối với phạm nhân Phạm Minh Tiến (SN 1978) ở quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), những ngày tháng chấp hành án tại Trại giam Đắk P’lao đứng chân ở xã Đắk Som (Đắk Glong) là những ngày tháng ăn năn, hối hận trong muộn màng.

ADQuảng cáo

Phút gặp gỡ đầy nước mắt của Tiến và gia đình

Bi kịch vì ma túy

Gia đình Tiến cũng thuộc diện có “của ăn của để” ở trong vùng. Thế nhưng, bi kịch bắt đầu khi Tiến bị bạn bè rủ rê mà sa vào con đường nghiện ngập ma túy. Tài sản trong nhà dần dần “đội nón” ra đi theo những cơn phê thuốc của Tiến. Hết tiền, trong cơn túng bấn, Tiến đi ăn trộm, rồi buôn bán chất ma túy để có tiền hút chích. Vợ Tiến cũng trở thành “nô lệ của nàng tiên nâu” lúc nào không hay. Sa chân vào “cái chết trắng”, Tiến và vợ bị nhiễm HIV.

Đi tù rồi ra tù, ra tù rồi lại vào tù, cuộc đời của Tiến như cái vòng luẩn quẩn không lối thoát vì ma túy. Năm 2015, Tiến ra tù sau 6 năm thi hành án vì tội mua bán trái phép chất ma túy, rồi rời TP. Hồ Chí Minh đi Bình Phước làm ăn. Thế nhưng, vòng luẩn quẩn lại bắt đầu lặp lại khi ngày 3/7/2016, Tiến bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang cầm 9,5618 gam ma túy bên mình. Với những chứng cứ không thể chối cãi, Tiến tiếp tục bị tuyên phạt 7 năm tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Ngày Tiến bị bắt cũng là lúc người vợ mất vì căn bệnh AIDS. Bà N.M, mẹ đẻ của Tiến phải một mình gồng gánh gia đình, chăm lo cho đứa cháu gái bé bỏng. Mẹ mất, bố đi tù, bà nội đã tuổi cao sức yếu, T-con gái Tiến cũng đành bỏ học giữa chừng để đi làm thuê làm mướn kiếm tiền phụ gia đình.

Những ngày tháng trong trại giam, đối diện với “căn bệnh thế kỷ”, Tiến vừa day dứt không nguôi nỗi nhớ mẹ, nhớ đứa con gái nhỏ vừa ân hận cho những lỗi lầm mình gây ra. Có lẽ với Tiến, cuộc đời này thế là hết, chẳng còn gì tốt đẹp, chẳng còn gì ý nghĩa.  

“Phép màu” nơi trại giam

ADQuảng cáo

Gia cảnh khó khăn nên mặc dù biết Tiến đang chấp hành án tại Trại giam Đắk P’lao đứng chân tại tỉnh Đắk Nông nhưng bà M không có điều kiện đi thăm nuôi. 2 năm chấp hành án, Tiến chưa hề được gặp người thân.

Tại Chương trình “Khát vọng ngày trở về” do Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Thị đoàn Gia Nghĩa, Trại giam Đắk P’lao phối hợp tổ chức mới đây, Tiến mới có cơ hội gặp lại mẹ và đứa con gái nhỏ. Tiến nói trong nghẹn ngào: “Vào tù để trả giá cho những lỗi lầm mình gây ra, tôi không khi nào hết day dứt, ân hận vì đã tự tay phá nát hạnh phúc gia đình mình. Để mẹ già, con nhỏ sống vơ bơ, cơ cực không ai chăm lo, tôi hối hận lắm”.

Nhắc đến gia đình, Tiến lại như muốn tủi thân, lâu rồi không được thấy mẹ, thấy con gái “nhớ, nhớ lắm chứ!”. Vừa dứt lời, người đàn ông bao năm sương gió trên giang hồ khóc òa như đứa trẻ khi thấy mẹ và con gái mình hiện ra trước mặt. Cả 3 người từ già đến trẻ ôm nhau khóc trong hạnh phúc ngậm ngùi.

Bà M - mẹ của Tiến bộc bạch: “Nghèo quá nên nhớ con lắm mà chẳng thể lên thăm. Nghe cán bộ trại giam gọi điện thoại về, báo là hai bà cháu được lên thăm thằng Tiến, tôi mừng mà không ngủ được. Sự thật mà cứ như là mơ vậy”.

Gặp mẹ và con gái, biết con đã lấy chồng, Tiến như được an ủi phần nào, có thêm động lực để cải tạo thật tốt

2 năm bố đi tù, người con gái nay đã lớn khôn, trưởng thành lên nhiều. Cuộc đời đã mỉm cười với em khi trong lúc khốn khó đã gặp được một người hiểu, chia sẻ với những nỗi đau của mình. Sau khi kết hôn, T không làm công nhân nữa mà chuyển sang phụ chồng bán trái cây ngoài chợ. Tuy vất vả nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn bảo ban nhau cố gắng làm ăn, vượt qua khó khăn để phụng dưỡng bà chờ ngày bố trở về.

T ngậm ngùi: “Em lấy chồng mà bố em không được biết. Nay được lên thăm bố nên em dẫn chồng theo để cho bố biết mặt. Em còn mang theo cả ảnh cưới cho bố xem nữa. Em không có trách giận mà thương bố nhiều lắm. Chỉ mong bố chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe, cải tạo cho tốt mà sớm về với bà với em”.

Có lẽ với Tiến, những phút giây gặp gỡ gia đình này ý nghĩa và quý giá hơn bao giờ hết. Tiến tâm sự: “Mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”, không biết bản thân có còn kịp được về đoàn tụ với gia đình không. Nay được gặp mẹ, được gặp con gái, lại biết tin con đã lấy chồng, tôi cũng yên tâm phần nào. Gặp được người thân rồi, tôi như được tiếp thêm động lực để điều trị bệnh, cải tạo tốt mà về với gia đình, làm người có ích cho xã hội”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giọt nước mắt nơi trại giam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO