Qua giải quyết vụ án tranh chấp đất ở xã Đắk Ha: Nhiều bài học được rút ra

Ngàn Sâu| 10/07/2017 11:10

Quá trình giải quyết vụ án tranh chấp đất ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), đã rút ra được nhiều bài học quan trọng cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị tư pháp như tòa án, viện kiểm sát…

ADQuảng cáo

Một lô đất hai sổ đỏ

Theo ông Nguyễn Đình Thành, trú tại thôn 3, xã Đắk Ha, vào năm 1995, gia đình mua của bà Phạm Thị Minh (trú cùng địa phương) khoảng 5.200 m2 đất trên địa bàn. Sau đó, gia đình ông Thành khai hoang thêm được khoảng 5.000m2 đất liền kề.

Đến khoảng năm 1997, Lâm trường Đắk Ha khi đó đã mở đường đi xuyên qua khu đất của gia đình ông Thành, tạo thành 2 lô đất. Ngày 8/8/1997, ông Thành được UBND huyện Đắk Nông cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 2 lô đất, thuộc các thửa số 27 và 28, tờ bản đồ số 02, với tổng diện tích 10.750m2.

Năm 2008, gia đình ông Thành phát hiện ông Nguyễn Hữu Uấn đang canh tác trên thửa số 27, với diện tích 8.130m2. Gia đình ông Thành yêu cầu ông Uấn trả lại đất, nhưng đã không được chấp nhận. Do đó, ông Thành đã khởi kiện ra tòa án để yêu cầu ông Uấn trả lại toàn bộ 8.130m2 đất.

Một góc của lô đất đang xảy ra tranh chấp

Còn theo ông Nguyễn Hữu Uấn, phần diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là do gia đình ông nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Đình Hiền (hiện nay không rõ tung tích). Việc mua bán đất đã được UBND xã Đắk Ha xác nhận, nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Diện tích đất này đã được UBND huyện Đắk Nông cũ cấp GCNQSDĐ số AB293355 ngày 14/7/2005, thuộc các thửa số 6 và 7, tờ bản đồ số 25, với tổng diện tích là 13.191m2. Gia đình ông Uấn đã sử dụng đất ổn định từ năm 2005 và trồng cây cao su, làm nhà, không có ai tranh chấp. Nay ông Thành khởi kiện yêu cầu gia đình ông phải trả lại đất là không có căn cứ, nên ông không chấp nhận.

Quá trình giải quyết tranh chấp

ADQuảng cáo

Ngày 29/9/2016, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Glong mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án và tuyên Bản án số 11/2016/DSST, với nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình Thành. Theo đó, tòa án cấp sơ thẩm buộc ông Nguyễn Hữu Uấn phải trả lại 8.130m2 đất cho ông Thành. Về tài sản trên đất, ông Nguyễn Đình Thành được quyền sở dụng 1 bể nước, 1 giếng đào, 352 cây cao su và 117 cây hồ tiêu. Ngược lại, ông Thành phải hoàn lại cho ông Nguyễn Hữu Uấn số tiền hơn 159 triệu đồng giá trị các tài sản này. Gia đình ông Nguyễn Hữu Uấn phải tháo dỡ 2 căn nhà; di dời 3 cây chanh để trả lại đất cho ông Thành.

Ngày 11/10/2016, ông Nguyễn Hữu Uấn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của gia đình ông. Ngày 9/3/2017, TAND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định.

Theo Hội đồng xét xử, diện tích đất ông Thành đang tranh chấp với ông Uấn đều đã được cấp GCNQSDĐ cho cả đôi bên. Hai GCNQSDĐ thể hiện ở hai tờ bản đồ khác nhau (bản đồ số 02 và 25). Thế nhưng, tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập 2 tờ bản đồ và không tiến hành lồng ghép để so sách, đối chiếu. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm đã chủ quan kết luận thửa đất số 6 hiện ông Uấn đang sử dụng được cấp chồng lên thửa 27 của ông Thành. Điều này là chưa bảo đảm khách quan, chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Hai bên đương sự đều đã được cấp GCNQSDĐ, nhưng cấp sơ thẩm không thu thập hồ sơ cấp GCNQSDĐ của các bên để xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã dựa vào công văn trả lời của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đắk Nông để kết luận việc GCNQSDĐ cho ông Thành là đúng, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Hiền là sai. Điều này cũng thiếu khách quan, chưa nhìn nhận vụ án một cách toàn diện nhất.

Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 11/12/2015 của các cơ quan chức năng, tổng diện tích đất tranh chấp là 8.130 m2. Đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất ông Sáu Chuyền dài 68,53m; phía Tây giáp đường đất dài 140,91m; phía Bắc giáp đất ông Sáu Chuyền rộng 107,66m; Phía Nam giáp phần đất ông Uấn đang sử dụng 86,26m.

Thế nhưng, tại bản án số 11/2016/DS-ST ngày 29/9/2016, tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định và tuyên buộc ông Nguyễn Hữu Uấn phải trả lại 8.130m2 đất có tứ cận như sau: Phía Đông giáp đất ông Sáu Chuyền dài 151,25m; phía Tây giáp đường đất dài 213,19m; phía Bắc giáp đất ông Sáu Chuyền rộng 107,66m; phía Nam giáp đường đất rộng 82,55m… Những thiếu sót nêu trên của tòa án cấp sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng Điều 97 và Điều 108, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vai trò của viện kiểm sát

Có thể thấy, trong vụ án này, việc thu thập và đánh giá chứng cứ của tòa án cấp sơ thẩm đã có sai phạm nghiêm trọng. Trong các trường hợp như thế này, thông thường cơ quan kiểm sát vụ án sẽ có đề nghị, yêu cầu cơ quan tòa án thu thập thêm và đánh giá lại chứng cứ. Thế nhưng, đối với vụ án nói trên, cơ quan kiểm sát vụ án ở cấp sơ thẩm lại chưa phát hiện được các thiếu sót của tòa án để đưa ra yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ. Khi bản án sơ thẩm được tuyên, cơ quan kiểm sát cũng không thực hiện kháng nghị bản án theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính công bằng, khách quan cho các bên đương sự. Điều này cho thấy, cơ quan kiểm sát vụ án ở cấp sơ thẩm chưa có vai trò, tiếng nói quan trọng để góp phần giải quyết vụ án một cách tốt hơn.

Theo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, vai trò kiểm sát của cơ quan viện kiểm sát trong các vụ án dân sự, hành chính cũng rất quan trọng, không kém gì so với các vụ án hình sự. Do đó, qua việc giải quyết vụ án nói trên, cơ quan viện kiểm sát các cấp trên địa bàn tỉnh cần rút kinh nghiệm, tăng cường hơn nữa việc kiểm sát thu thập và đánh giá chứng cứ của tòa án. Có như vậy mới hạn chế được những thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua giải quyết vụ án tranh chấp đất ở xã Đắk Ha: Nhiều bài học được rút ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO