"Siêu lừa" giăng bẫy

Linh Thư| 14/08/2020 09:00

Đưa thông tin gian dối để vay tiền, các “siêu lừa” đã chiếm đoạt số tiền lên đến hàng tỷ đồng của nhiều người dân. Các vụ án là bài đọc đắt giá cho những ai nhẹ dạ cả tin, hám lợi, đưa tiền và tài sản của mình cho những kẻ lừa đảo.

ADQuảng cáo

Minh họa: Minh Thùy

Góp vốn bán sim

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Phạm Thúy Oanh (SN 1987) trú tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) để chuẩn bị xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại khoản 4 Điều 174 và khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Oanh từng là nhân viên của một công ty viễn thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhưng không chú tâm làm việc mà lại lợi dụng danh nghĩa này để lừa đảo nhiều người. Trong 2 năm 2018-2019, Oanh nhiều lần đưa ra thông tin là mình được công ty tạo điều kiện cho làm ăn chung về kinh doanh sim điện thoại, kích hoạt giữ số rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Cùng với thông tin giả này, Oanh còn đặt làm 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, 1 con dấu giả của công ty và tạo lập 17 hợp đồng nhân danh công ty để vay tiền; 1 giấy vay tiền giả chữ ký của giám đốc công ty, 3 bảng xác nhận thông tin nhân sự và thu nhập của công ty. Táo bạo hơn, Oanh còn đưa ra thông tin là có khả năng xin được việc làm công chức Nhà nước cho người khác để nhận được sự cả nể, dễ dàng vay tiền.

Thủ đoạn chính của Oanh là tiếp cận người có tiền để hỏi vay tiền và chủ động trả lãi cao từ 4.000 - 7.000 đồng/triệu/ngày. Oanh cũng đưa hợp đồng nhân danh công ty mình đang làm, đồng thời thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và nói là đất của gia đình ở mặt tiền quốc lộ 14 có trị giá trên 3 tỷ đồng để vay tiền người khác. Thời gian đầu, Oanh trả tiền lãi rất đúng hạn, đến khi người cho vay tin tưởng, giao số tiền tiền lớn, Oanh mới tiến hành ôm tiền rút gọn.

Với những “chiêu trò” tinh vi của mình, Oanh đã vay tiền của ngân hàng và 10 cá nhân ở tại nhiều tỉnh thành khác nhau với tổng số tiền 9,275 tỷ đồng. Sau khi vay mượn, Oanh đã trả gần 662,9 triệu đồng, còn lại, chiếm đoạt hơn 8,6 tỷ, trong đó, có người bị lừa với số tiền lên đến 2,535 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Không thấy Oanh trả tiền, các nạn nhân mới liên hệ với phía công ty để đòi nợ, đồng thời, cung cấp nhiều giấy tờ với chữ ký của lãnh đạo công ty thì mới biết các giấy tờ trên là giả và vụ việc mới bị vỡ lỡ. Oanh nhanh chóng bỏ trốn khỏi nơi cư trú và bị cơ quan chức năng tiến hành truy tìm, bắt giữ để tiến hành điều tra, xét xử theo quy định của pháp luật.

Đáo hạn ngân hàng bằng tin nhắn

Trước đó, một “siêu lừa” khác cũng bị cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ và đưa ra xét xử vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng của các cá nhân khác trên địa bàn.

Thích cuộc sống giàu sang nhưng lại không chịu làm ăn chân chính, Nguyễn Thị Thành (SN 1991) trú tại phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) thường xuyên hỏi vay mượn nhiều người thân quen để có tiền tiêu xài. Năm 2017, Thành không có khả năng trả nợ do không có nguồn thu, nhiều khoản vay dồn lại từ những năm trước khiến Thành chỉ có thể xoay trả được một ít tiền lãi chứ không thể trả hết nợ.

Thế nhưng, Thành lại tiếp tục vay mượn tiền để tiêu xài với những thủ đoạn tinh vi do mình nghĩ ra. Thành tung tin để lừa gạt người khác và khoe rằng mình làm đáo hạn ngân hàng và đang cần vay tiền với mức lãi hấp dẫn từ 5.000-7.000 đồng/triệu/ngày. Thành nhanh chóng vay được tiền và trả lãi đầy đủ cho mọi người để tạo uy tín, khiến nhiều người tin tưởng cho Thành vay nhiều hơn nữa.

Để tăng thêm lòng tin, năm 2018, Thành mua điện thoại di động và sim rác khác lưu số điện thoại giả tạo là các cá nhân làm việc tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn trên địa bàn tỉnh. Sau đó, Thành tự tạo vào điện thoại này những tin nhắn và cuộc gọi giả thể hiện việc những người trên có quen biết, giới thiệu cho Thành những khách hàng có các khoản vay tín dụng sắp hết hạn, đang muốn vay tiếp (đáo hạn) và các mối mua bán tài sản phát mãi (tài sản thế chấp) để thu hồi nợ.

Thành tự chụp tin nhắn, cuộc gọi nhỡ đã ngụy tạo này gửi qua điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook cho 8 người khác để làm bằng chứng cho lời nói của mình. Tinh vi hơn, Thành còn mượn em ruột của mình giả mạo làm nhân viên của ngân hàng để cùng đến gặp gỡ, nói chuyện với nạn nhân để dễ dàng lừa đảo.

Tin tưởng, nhiều người đã đưa tiền cho Thành vay và bị lừa đảo, chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng, cao nhất có người cho Thành vay hơn 6,1 tỷ đồng. Thành phải trả giá đắt bởi hành vi lừa đảo, thủ đoạn tinh vi của mình. TAND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thành 18 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Siêu lừa" giăng bẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO