Tăng cường đấu tranh với “tín dụng đen”

Lê Phước| 06/08/2019 10:22

Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trong nước với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

ADQuảng cáo

Hoạt động “tín dụng đen” đang len lỏi khắp nơi và có xu hướng diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức quy định. Hình thức này được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phục vụ việc đòi nợ. Tội phạm "tín dụng đen" có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tinh thần của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thời gian gần đây có xu hướng diễn biến phức tạp so với các năm trước. Trong đó, hầu hết các đối tượng có liên quan đến hoạt động này đến từ địa phương khác. Với hình thức núp bóng các dịch vụ kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, đòi nợ thuê…, các đối tượng này tổ chức rải tờ rơi, quảng cáo, đăng thông tin trên các mạng internet để thu hút người vay. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá 10 nhóm hoạt động "tín dụng đen", khởi tố 31 đối tượng về hành vi vi phạm hoạt động tài chính.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân hoạt động "tín dụng đen" bùng phát là do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được các điền kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng, nên đã vay tiền theo kênh "tín dụng đen". Mặt khác, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lối sống, tham gia các tệ nạn xã hội hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Ngược lại, nhiều người cũng sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay dưới dạng “tín dụng đen”.

ADQuảng cáo

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc phòng, chống hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự; những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo; các hành vi đòi nợ trái pháp luật; hậu quả của “tín dụng đen”… Các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện vận động người dân không tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào hoạt động “tín dụng đen”.

Riêng đối với Công an tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương lập các tổ công tác liên ngành để tiến hành kiểm tra, điều tra, tổ chức nắm tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường. Công an tỉnh đẩy mạnh công tác trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn…

Có thể thấy, “tín dụng đen” là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã phần nào cho thấy mức độ quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân cũng nên tỉnh táo, cảnh giác trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn để tránh rơi vào “cạm bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”...

Khoản 1, điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ lãi suất vay do các bên thỏa thuận.  Theo đó, “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực và được xác định là cho vay nặng lãi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đấu tranh với “tín dụng đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO