Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù

Đức Hùng| 26/12/2019 08:22

ề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù, tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” (gọi tắt là Ðề án), được UBND tỉnh triển khai thực hiện từ ngày 2/5/2018. Việc thực hiện Ðề án đến nay có chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đối với các đối tượng đặc thù.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh hiện có 125 người nghiện thuộc diện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện số 1 (Tuy Ðức). Trên địa bàn tỉnh cũng có khoảng 1.021 bị can, phạm nhân đang giam giữ tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 57 đối tượng có án phạt tù đang ở ngoài xã hội, 916 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành án phạt tù... Ðây là những đối tượng đặc thù, thuộc diện cần được tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo Ðề án.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức về pháp luật của những người được tuyên truyền. Trước hết, các cơ quan thi hành án hình sự các cấp đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho bị can, phạm nhân ở trong trại tạm giam và các nhà tạm giữ những kiến thức cơ bản về pháp luật để giúp họ có điều kiện hòa nhập cuộc sống sau khi ra tù.

Chương trình Giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ thanh niên tái hòa nhập cộng đồng năm 2019 vừa được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Ðắk Nông tổ chức tại Trại giam Ðắk P’lao

Trong khuôn khổ thực hiện Ðề án, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền cá biệt cho 1.520 lượt thân nhân của đối tượng đặc thù. Công an tỉnh cũng lồng ghép vào các ngày thăm, gặp phạm nhân để tuyên truyền pháp luật cho 1.210 lượt thân nhân, gia đình người bị tạm giữ, phạm nhân đang chấp hành án. Qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật giúp cho người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân nắm được các nghĩa vụ, nhận thức đúng đắn hơn về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Hội Luật gia, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, các Phòng Tư pháp cấp huyện, thị xã tổ chức hơn 90 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý tại cơ sở cho các đối tượng đặc thù.

Về phía các huyện, thị xã cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát và thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người đã hoàn thành án phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương và người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng. Chính quyền cấp xã cũng thường xuyên quan tâm, động viên, tạo điều kiện và phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ tại địa phương.

Ðến nay, các cơ quan thi hành án hình sự đã tổ chức giáo dục, cảm hóa cho 519 lượt bị can, phạm nhân. Nhờ tuyên truyền pháp luật, các đơn vị trại giam đã ngăn chặn kịp thời 5 đối tượng có ý định trốn trại, 15 đối tượng có ý định tự tử, 42 đối tượng có ý định vi phạm nội quy. Các cơ quan thi hành án hình sự cũng tổ chức cho hơn 1.866 lượt phạm nhân tham gia các hoạt động như: Học tập pháp luật, giáo dục công dân, nội quy, quy chế trại giam, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành hình phạt tù và tổ chức lao động học nghề. Ðể giúp phạm nhân tiến bộ, các cơ quan thi hành án hình sự đã tiến hành 272 lượt gặp gỡ, giáo dục riêng đối với phạm nhân mới đến chấp hành án, số phạm nhân chưa yên tâm cải tạo. Nhờ đó, từ 2018 đến nay, đã có 8 phạm nhân được giảm án tù, 3 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.

Qua 2 năm thực hiện, Ðề án đã góp phần tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng từng lầm lỗi và giúp gia đình họ hiểu biết về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các đối tượng đặc thù được tạo điều kiện, được giúp đỡ để có thể gạt bỏ những tự ti và dễ dàng hơn khi hòa nhập cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO