Thiết thực hoạt động đăng ký hộ tịch lưu động tại Đắk R’măng

Bài, ảnh: Phan Tuấn| 17/01/2019 09:33

Theo Sở Tư pháp, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều người dân có nhu cầu đăng ký hộ tịch. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau mà họ không thể sắp xếp được thời gian đến UBND xã để hoàn thành các thủ tục hành chính.

ADQuảng cáo

Đơn cử như xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong vẫn còn nhiều hộ dân, nhất là những hộ gia đình dân tộc thiểu số chưa đăng ký khai sinh, nam nữ chung sống chưa đăng ký kết hôn, người chết chưa được khai tử… Nắm bắt được điều này, vừa qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Đắk Glong, UBND xã Đắk R’măng triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch lưu động cho người dân.

Cơ quan chức năng trao giấy kết hôn cho người dân xã Đắk R’măng tại buổi đăng ký hộ tịch lưu động

ADQuảng cáo

Tại buổi đăng ký hộ tịch lưu động được các cấp ngành tổ chức, đã có rất nhiều người dân xã Đắk R’măng tham gia. Thông qua hoạt động này, UBND xã Đắk R'măng đã thực hiện đăng ký hộ tịch cho hơn 200 trường hợp. Cụ thể, xã Đắk R’măng đã thực hiện trao bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy khai sinh cho 14 trường hợp. Các trường hợp còn lại, ngành chức năng đã ghi phiếu tiếp nhận hồ sơ cần xác minh; tư vấn, hướng dẫn, bổ sung hồ sơ theo quy định của pháp luật về hộ tịch… Qua thực tế cho thấy, hoạt động này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân lẫn cơ quan chức năng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) cho biết: Đăng ký hộ tịch là hoạt động của người dân với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (các cơ quan hành pháp, cơ quan quản lý hành chính nhà nước) để ghi và lưu lại các sự kiện hộ tịch quan trọng của công dân. Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Theo đó, các sự kiện quan trọng thường được ghi nhận bao gồm việc khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn, hủy kết hôn... Hoạt động đăng ký hộ tịch là do cấp xã, phường quản lý. Thế nhưng, thời gian qua, ở một số địa phương, tình trạng người dân không tiến hành đăng ký hộ tịch vẫn còn phổ biến. Thế nên, việc cơ quan chức năng thực hiện đăng ký hộ tịch lưu động đã thể hiện tính nhân văn, khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân. Với ý nghĩa thiết thực đó, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy, nhân rộng việc đăng ký hộ tịch lưu động cho người dân.

Điều 14 Thông tư số 15 ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành luật Hộ tịch và Nghị định 123/CP của Bộ Tư pháp. Trong đó, quy định các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động:

1. Trường hợp trẻ em sinh ra mà cha mẹ bị khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký khai sinh cho con; cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà nội, ngoại và người thân thích khác hoặc những người này không có điều kiện đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký khai sinh lưu động. Trường hợp hai bên nam, nữ cùng thường trú trên địa bàn cấp xã mà một hoặc cả hai bên nam, nữ là người khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký kết hôn được thì Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành đăng ký kết hôn lưu động.

2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tổ chức đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn lưu động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực hoạt động đăng ký hộ tịch lưu động tại Đắk R’măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO