Thực hiện Đề án 1-1133: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường

Hà An| 01/09/2016 09:33

Ngày 15/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1133/QĐ-TTg về việc phê duyệt và tổ chức thực hiện 7 đề án để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI).

ADQuảng cáo

Theo đó, Đề án 1-1133 là 1 trong 7 đề án với nội dung trọng tâm: “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”. Nội dung đề án là triển khai các hoạt động nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm khi thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện đề án, thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị từ tỉnh xuống cơ sở để triển khai thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nhân dân nắm bắt kịp thời về các quy định trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Ban hành quy chế tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; Tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tiếp dân…

Theo Thanh tra tỉnh, từ năm 2013 đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức được 160 cuộc tập huấn, bồi dưỡng cho 9.748 cán bộ, công chức, viên chức, người có trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, thanh tra các cấp cũng đã phối hợp, tổ chức 3.116 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp về khiếu nại, tố cáo cho người dân ở các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh với 323.994 người tham dự.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như lồng ghép tại các cuộc họp, sinh hoạt, cuộc thi và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

ADQuảng cáo

Cụ thể như thời gian qua, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh đã  thực hiện 2 chuyên mục hộp thư truyền hình định kỳ và đã phát 62 bài, 124 tin, với thời lượng phát sóng 930 phút và 62 chuyên mục tiếp chuyện bạn nghe đài. Báo Đắk Nông cũng đã xây dựng 2 chuyên trang, chuyên mục hằng tháng về pháp luật trên báo in và báo điện tử với số lượng gần 400 tin, bài liên quan được đăng tải.

Ngoài ra, hệ thống đài truyền thanh huyện, thị xã cũng đã đăng tải 714 tin, bài với tổng thời lượng trên 1.000 phút và 218 chuyên mục với thời lượng 1.160 phút. Hệ thống loa phát thanh ở xã, phường cũng đã xây dựng các chương trình phát thanh liên quan đến kết quả tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng.

Các cơ quan chức năng cũng đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền trực tiếp 3.116  cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo với 23.994 lượt người tham dự. Thanh tra tỉnh đã tổ chức in ấn và cấp phát 9.640 cuốn tài liệu liên quan đến việc triển khai đề án cho các huyện, thị xã để phổ biến, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân.

Theo Thanh tra tỉnh, sau 3 năm triển khai đề án, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao trình độ, nhận thức cho cán bộ, công chức trong xử lý các vụ việc; mặt khác giúp người dân hiểu và nắm bắt được các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tránh bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để kích động, gây rối an ninh trật tự.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân mà việc chấp hành và thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế. Tình trạng đơn thư vượt cấp, trùng lắp về nội dung, đối tượng vẫn còn nhiều. Một bộ phận cán bộ tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm dẫn đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thụ lý và xử lý đơn thư cho người dân còn chưa đúng quy trình, thời hạn, làm mất niềm tin của một bộ phận nhân dân. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người dân, mặc dù nắm rõ pháp luật nhưng vẫn cố tình làm trái để đạt mục đích riêng của mình…

Từ đây cho thấy, để thực thi hiệu quả pháp luật về khiếu nại, tố cáo, trở thành “điểm tựa” cho tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, ngoài việc nâng cao trình độ, trách nhiệm của cán bộ thực hiện, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án 1-1133: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO