Triển khai Thông tư 52 của Bộ Y tế: Phát sinh những bất cập

Vũ Trang| 26/04/2018 10:53

Từ ngày 1/3/2018, các quầy thuốc, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, trong đó có việc kê đơn thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai thực hiện quy định mới này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

ADQuảng cáo

Nhiều quầy thuốc thiếu thông tin

Thông tư 52 nêu rõ, yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc phải ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh, ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú. Đặc biệt, đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc sổ căn cước công dân của cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

Thế nhưng, hiện tại hầu hết các quầy thuốc trên địa bàn, người dân cũng như nhân viên bán thuốc vẫn còn mơ hồ về quy định mới này. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hầu hết trường hợp khách hàng đến mua thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhân viên các quầy thuốc vẫn bán thuốc bình thường mà không yêu cầu đơn thuốc của bác sĩ hay sử dụng đơn mới, cũng không yêu cầu cung cấp số CMND của cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ. Một số nhân viên bán thuốc khi được hỏi cũng chưa nắm rõ Thông tư 52 và cho rằng, quy định mới chỉ được áp dụng khi khách hàng mua thuốc tại các bệnh viện, chứ không áp dụng tại các nhà thuốc bán lẻ.

Theo Thông tư 52, phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh, lấy đơn thuốc phải có CMND kèm theo

Khó cho bác sĩ lẫn bệnh nhân

Tại khu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ sáng sớm đã có khá đông bệnh nhân, trong đó có nhiều phụ huynh đưa trẻ nhỏ đến khám bệnh. Chị Phạm Thị Hiền ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) ngồi chờ khám bệnh cho con gái gần 4 tuổi chia sẻ: “Cháu bị ho, sổ mũi và sốt gần 2 ngày rồi. Tôi mua thuốc cho cháu uống không đỡ nên đưa cháu đến bệnh viện khám”. Khi được hỏi có mang CMND để cung cấp thông tin cho cháu không, chị Hiền tỏ ra khá ngạc nhiên: “Những lần trước khi đi khám cho con, tôi chỉ mang theo thẻ bảo hiểm y tế của cháu thôi chứ có thấy hỏi đến CMND đâu”.

ADQuảng cáo

Tương tự, vừa bước ra khỏi phòng khám nhi, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc ở phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) tỏ ra khá bực bội. Theo chị Ngọc, trước đây, khi đi khám cho con, chị chỉ mang theo thẻ bảo hiểm y tế của cháu hoặc giấy khai sinh, nhưng hôm nay, bác sĩ lại yêu cầu phải có CMND của phụ huynh mới kê đơn thuốc. Chị Ngọc cho biết: “Không phải lúc nào CMND cũng mang theo người, nhiều lúc con cái bị ốm, cha mẹ vội vàng đưa đi khám, thẻ bảo hiểm y tế của trẻ còn quên, nói gì đến giấy tờ tùy thân của mình. Nhà gần thì không sao, chứ nếu nhà ở xa thì trẻ sẽ không được bác sĩ kê đơn hay sao? Bác sĩ áp dụng đúng quy định, nhưng điều này lại tạo thêm nhiều thủ tục, gây phiền hà cho người bệnh”.

Không chỉ người dân mà bản thân các bác sĩ khám bệnh cho trẻ cũng cảm thấy băn khoăn mặc dù đã được tiếp cận, nghiên cứu Thông tư 52 từ trước. Theo các bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hầu hết các phụ huynh đưa trẻ đến khám bệnh đều không mang theo CMND. Khi được giải thích về quy định mới này, có người thông cảm, có người lại cho rằng bệnh viện gây khó dễ. Điều này làm cho các y, bác sĩ rất khó xử.

Bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Việc ghi thêm số CMND của cha, mẹ hoặc người giám hộ khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi đối với các bác sĩ là việc làm không khó, nhưng lại tạo phiền hà cho phụ huynh. Việc này thực sự không cần thiết, vì ngay trong thẻ bảo hiểm y tế của trẻ đã thể hiện thông tin tên tuổi của cha hoặc mẹ, địa chỉ cư trú. Nếu trường hợp trẻ em ốm nặng, đột xuất, hoặc phụ huynh mất CMND, bác sĩ lại không kê đơn thuốc điều trị kịp thời cho trẻ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, liên quan đến nhiều người”.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Theo đánh giá của ngành Y tế, quy định mới trong Thông tư 52 nhằm bảo đảm tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, nhất là trong tình hình mua bán và lạm dụng thuốc kháng sinh đang diễn ra phổ biến như hiện nay. Việc này cũng thể hiện rõ tính pháp lý mối quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh trong cung cấp dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, để một quy định mới đi vào cuộc sống có khả thi, hợp lý hay không phải cần một quá trình, chứ chưa thể đánh giá trong một sớm một chiều. Trong quá trình triển khai, ngành sẽ tiếp thu các ý kiến từ người dân và các cơ sở y tế, nếu bất cập thì sửa chữa, bổ sung, nếu hợp lý thì tiếp tục duy trì thực hiện. Điều trước mắt hiện nay là tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định mới này để người dân biết và thực hiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Thông tư 52 của Bộ Y tế: Phát sinh những bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO