Tuân thủ các quy định của pháp luật trong các giao dịch thuê nhà ở

Linh Thư| 18/06/2021 08:53

Việc thuê và cho thuê nhà, phòng trọ để ở là giao dịch dân sự hết sức bình thường của người dân. Khi chủ nhà cho thuê và người thuê không tuân thủ những điều khoản đã thỏa thuận hay ký kết trong hợp đồng sẽ dễ phát sinh những tranh chấp không đáng có trong quá trình thuê, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Ảnh minh họa

Gia đình chị N.T.N có hơn chục phòng trọ để cho thuê tại phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa). Tuy đã cho thuê trọ nhiều năm nhưng gia đình chị N cũng gặp không ít phiền phức từ việc cho thuê phòng. Vì chỉ cho thuê ở trọ bình thường nên chị N cũng chủ quan không làm hợp đồng hay bắt người thuê trọ đặt cọc thuê phòng. Gia đình chị chỉ hỏi thăm thông tin cơ bản như công việc, quê quán và thu tiền hàng tháng với khách thuê.

Chính sự chủ quan này khiến cho chị N mất một khoản tiền đáng kể do khách thuê cứ lần lữa xin nợ tiền thuê phòng nhiều tháng liền rồi âm thầm chuyển trọ đi nơi khác. Không liên lạc được với người thanh niên thuê phòng để đòi tiền, chị N rất bức xúc nên đăng bài lên mạng xã hội để tìm người, đồng thời cảnh giác các chủ trọ khác phải cẩn thận khi cho người khách này thuê phòng.

Chị L.T.H lại gặp không ít rắc rối khi thuê nhà từ một người dân trên địa bàn huyện Đắk Glong. Khi thuê nhà, chị H (người thuê nhà) và ông B (chủ nhà) đã thống nhất thỏa thuận thuê nhà ít nhất 1 năm cùng các điều kiện cơ bản. Yên tâm sẽ thuê nhà lâu dài, chị H đã dọn dẹp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ bản để ở ổn định tại căn nhà mới thuê này. Tuy nhiên, sau vài tháng, chị H lại bị chủ nhà yêu cầu trả nhà, không cho thuê nữa, đồng thời yêu cầu chị thanh toán tiền nhà tháng gần nhất.

ADQuảng cáo

Chị H không đồng ý trả tiền nhà tháng cuối cùng với lý do phải trả nhà sớm hơn giao kèo và tiếc công dọn dẹp, chuyển đồ tới lui. Ông B đã gặp chị H đòi tiền và 2 bên xảy ra tranh chấp, xô xát. Bức xúc, chị H đã làm đơn kiện ông B lên cơ quan chức năng để giải quyết.

Cũng xảy ra tranh chấp từ việc cho thuê nhà với khách, nhưng ông T ở huyện Krông Nô lại có cách giải quyết khác với 2 trường hợp trên. Khi cho khách thuê nhà, ông T đã ký hợp đồng cho thuê và có thỏa thuận cụ thể các điều khoản giữa các bên. Sau thời gian cho thuê, giữa anh H (người thuê nhà) và ông T xảy ra xích mích nên anh H đã không thuê nhà nữa mà chuyển đi.

Tuy nhiên, anh H chuyển đi nhưng không bàn giao chìa khóa nhà lại cho ông T. Do đó, ông T đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Krông Nô yêu cầu anh H phải thanh toán cho mình 10 triệu đồng là tiền 5 tháng thuê nhà. Trong đó, ông T yêu cầu anh H phải trả 2 triệu đồng tiền thuê 1 tháng tại thời điểm anh H chuyển đi mà chưa thanh toán; 8 triệu đồng tiền thuê nhà 4 tháng do anh H không bàn giao chìa khóa nhà lại, khiến ông T không cho người khác thuê được.

Xét thấy, ông T không được anh H giao trả tận tay chìa khóa nhà nhưng vẫn được thông báo trả nhà và biết thời điểm anh H chuyển đi. Do đó, Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông T và buộc anh H phải có nghĩa vụ thanh toán 2 triệu đồng tiền thuê nhà tại tháng cuối cùng anh H ở mà chưa thanh toán.

Các bên thuê và cho thuê tài sản nên làm hợp đồng chặt chẽ, tuân thủ quy định của pháp luật trong giao dịch để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hai bên. Khi xảy ra tranh chấp, hai bên cần bình tĩnh tìm cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý hoặc nhờ cơ quan chức năng phân xử để bảo đảm công bằng, minh bạch, không nên cãi vã, đánh nhau gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuân thủ các quy định của pháp luật trong các giao dịch thuê nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO