Vô ý gây chết người cũng là phạm tội

Phan Tuấn| 29/06/2018 09:36

Mặc dù không cố ý, không lường trước được hậu quả xảy ra khi làm người khác chết, nhưng theo quy định của pháp luật, người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể là tội “Vô ý làm chết người”. Trên thực tế, đã xảy nhiều vụ án vô ý làm chết người và người phạm tội phải chịu án phạt theo quy định.

ADQuảng cáo

Phạm tội ngoài ý thức

Một ngày đầu tháng 4/2014, Trịnh Minh Thắng (SN 1991), trú tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cùng đồng nghiệp lái xe tải đi bán hàng ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil). Trên đường đi, người bạn của Thắng buồn ngủ và đề nghị Thắng cầm lái thay. Dù chưa có bằng lái, nhưng Thắng vẫn nhận lời và lái xe thay bạn. Trong quá trình lái xe, Thắng đã sơ ý đâm vào phía sau một người đàn ông chạy xe máy cùng chiều, khiến người này bị thương nặng. Thắng cùng người bạn nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nên người đàn ông đã tử vong sau đó không lâu.

Theo cơ quan tố tụng, trong vụ án này, Thắng không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng thực tế do việc lái xe khi chưa có bằng lái đã gây hậu quả chết người. Hành vi của Thắng được xác định là tội "Vô ý làm chết người". Chính vì vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, tòa án đã tuyên phạt Thắng 3 năm 6 tháng tù giam.

Một vụ án khác, khoảng 8 giờ ngày 24/2/2018, La Hải Phương cùng Dương Văn Ngọc, Đàm Văn Biên, Dùng Văn Tiến, Nguyễn Hải Triều và Dũng Vi Nam đều trú tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) rủ nhau đi săn tại một khu rừng ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp). Khi đi, La Hải Phương mang theo 1 khẩu súng thể thao và 1 khẩu súng kíp. Vào đến nơi, Phương lắp đạn vào khẩu súng thể thao và nhồi thuốc nổ vào khẩu súng kíp để đi săn gà rừng.

Đến khoảng 6 giờ ngày hôm sau, La Hải Phương nghe tiếng gà rừng gáy ở phía trên đỉnh đồi, nên dậy trước cầm khẩu súng thể thao để đi săn. Phương đi lên đỉnh đồi theo hướng gà gáy thì phát hiện hai con gà đang chạy xuống dốc nên bám theo. Thấy 2 con gà chạy vào lùm cây, lá cây động đậy nên Phương hướng nòng súng về phía đó bóp cò. Sau khi bắn xong Phương nghe tiếng người la hét trong bụi cây, nên vứt súng chạy lại thì phát hiện Dương Văn Ngọc đang nằm giãy giụa.

Biết đã bắn nhầm Ngọc, nên Phương tiến hành hô hấp nhân tạo và kêu gọi mọi người đến để đưa Ngọc đi cấp cứu. Thế nhưng, do bị thương quá nặng, Ngọc đã chết trên đường ra khỏi cửa rừng. Cả nhóm sau đó thuê xe đưa thi thể Ngọc về nhà tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia. Sau đó, Phương đến Công an xã Đắk Nia đầu thú, giao nộp khẩu súng kíp và khai nhận lại nội dung sự việc. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định và truy tố Phương về tội “Vô ý gây chết người”.

ADQuảng cáo

La Hải Phương bị truy tố tội danh “Vô ý làm chết người”

Hai hình thức phạm tội

Theo luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, có hai hình thức để cơ quan tố tụng xác định tội “Vô ý làm chết người”. Đó là vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra cái chết cho người khác. Tiêu chuẩn để xác định hình thức này là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề…

Còn vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tự tin về hành động của mình và cho rằng hậu quả gây chết người sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, thực tế sự việc đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát và gây chết người.

Cả hai hình thức phạm tội nói trên đều được xác định là tội "Vô ý làm chết người". Căn cứ vào thực tế của mỗi hình thức mà cơ quan tố tụng đưa ra hình phạt khác nhau đối với người phạm tội.

Tội "Vô ý làm chết người" được quy định chi tiết tại Bộ Luật Hình sự năm 2015:

Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô ý gây chết người cũng là phạm tội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO