Vướng vòng lao lý vì... đòi nợ trái pháp luật

Hiền Ny| 30/10/2017 10:05

Có nợ thì đòi, nhưng đòi nợ sao cho đúng cách, đúng quy định của pháp luật là điều mà nhiều người cần phải hiểu rõ. Thực tế cho thấy, nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, đánh người gây thương tích đã được đưa ra xét xử mà đặc điểm chung là các bị cáo là người bị nợ tiền, đi đòi nợ, nhưng rồi lại phải vướng vòng lao lý.

ADQuảng cáo

Đòi nợ không được, ra tay đánh người

Hoàng Minh Nhật (SN 1982) và Nguyễn Tường Huyên (SN 1972), cùng trú tại xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) vốn chơi thân thiết với nhau vì có mối quan hệ làm ăn lâu dài. Đầu năm 2016, trong lúc túng thiếu, ông Huyên có vay của Nhật 10 triệu đồng và hẹn 10 ngày sau sẽ trả. Nghĩ anh em chơi với nhau lâu dài, Nhật đã cho ông Huyên mượn tiền. Tuy nhiên, quá hẹn đã lâu, ông Huyên lại né tránh, không chịu trả tiền của Nhật.

Trong một lần đi uống cà phê tại thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), Nhật tình cờ gặp lại ông Huyên và lên tiếng đòi lại số tiền mình cho vay. Hai bên lời qua tiếng lại, cảm thấy mất mặt vì bị Nhật đòi tiền, buông lời xấc láo, ông Huyên đã tát vào mặt Nhật. Không đòi được tiền, lại bị tát, Nhật nóng giận, giơ chân đạp vào bụng của ông Huyên, khiến ông ngã dúi dụi xuống đất.

Thấy hai bên xảy ra xô xát, nhiều người trong quán cà phê chạy ra can ngăn, nên Nhật và ông Huyên ai đi về nhà người nấy. Thế nhưng, sau cú đá của Nhật, ông Huyên bị đau tại vùng bụng và phải đi bệnh viện cấp cứu. Tại đây, ông Huyên được xác định bị vỡ ruột dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong sau đó không lâu. Hoảng sợ, Nhật đã bỏ trốn khỏi địa phương, nhưng 2 ngày sau đã đến cơ quan công an để đầu thú.

Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil sau đó đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Nhật 9 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ phát sinh từ quan hệ vay mượn tiền, mong muốn đòi lại tiền mà Nhật đã có hành vi bạo lực, đánh người dẫn đến tử vong.

Đây có lẽ là một bài học cay đắng cho Nhật và cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người, dù bức xúc vì không đòi được nợ như thế nào cũng không nên có những hành vi xử sự thiếu chuẩn mực, trái pháp luật để gây hậu quả đáng tiếc cho con nợ, cũng như cho bản thân mình.

Vào tù vì đi đòi nợ thuê

Hai vợ chồng ông Nguyễn Đỗ T (Gia Nghĩa) có cho ông Dương Vũ H vay tiền để làm ăn, nhưng H hứa hẹn mãi mà không chịu trả nợ. Muốn đòi nợ cho nhanh, vợ chồng T đã bàn nhau “nhờ” Nguyễn Công Đỉnh, quê Hải Phòng đòi nợ giúp mình.

ADQuảng cáo

Theo đó, tối ngày 27/6/2016, nghe tin H đang ở quán bar trên địa bàn phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), Đỉnh đã mang 1 con dao giấu trong túi áo để đến đây gặp H nhằm đòi nợ cho vợ chồng ông T. Sau khi lời qua tiếng lại, H lấy dù che mưa đập nhiều phát về phía người Đỉnh. Bực mình, Đỉnh rút dao trong người ra đâm H một nhát vào vùng nách bên trái gây thương tích 9%.

Ngày 15/8/2017, Tòa án nhân nhân thị xã Gia Nghĩa đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Đỉnh 1 năm 6 tháng tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Trước đó, Đỉnh đang bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) truy nã về tội cố ý gây thương tích nên bỏ trốn vào tỉnh Đắk Nông.
Vì một chút lợi lộc, nhiều người bất chấp quy định của pháp luật để đi đánh người nhằm đòi nợ thuê, xử lý mâu thuẫn theo sự nhờ vả của người khác. Hành vi trên không chỉ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân mà còn bị pháp luật xử lý, nghiêm trị bằng những bản án thích đáng.

Ra tòa vì đi xiết nợ

Năm 2014, bà Lê Thị Gái trú tại thôn Phú Cường, xã Đắk Nang (Krông Nô) vay của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thành, trú cùng thôn 57,94 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận lãi suất và thời hạn trả. Năm 2015, bà Gái trả được 20 triệu đồng, số tiền còn lại vẫn chưa trả.

Sau nhiều lần đến đòi nợ không được, vợ chồng ông Thành đã dùng cách lấy tài sản của nhà bà Gái để xiết nợ. Ngày 24/12/2016, hai vợ chồng ông Thành mượn xe công nông đến nhà bà Gái nhằm lấy số cà phê mà bà Gái đang phơi trên sân. Cho rằng, bản thân vay nợ thì sẽ trả, nhưng vợ chồng ông Thành lại dùng cách đến nhà lấy cà phê bất chấp sự phản đối của gia đình là trái pháp luật, bà Gái đã báo công an xã lập biên bản vụ việc.

Theo đó, tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá, bán đấu giá tài sản, kết luận số cà phê bị vợ chồng ông Thành lấy đi có trọng lượng là 280 kg, trị giá 4,928 triệu đồng. Ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân huyện Krông Nô đã đưa vụ án ra xét xử. Vợ chồng ông Thành đã bị cơ quan điều tra truy tố vì tội “chiếm đoạt tài sản”. Tại phiên xét xử, do không thống nhất trong lời khai giữa các bên, nên Hội đồng xét xử đã trả lại hồ sơ để cơ quan chức năng điều tra bổ sung.

Đòi nợ phải đúng luật

Các hoạt động vay, mượn tiền của nhau là việc làm hết sức bình thường, diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Tuy nhiên, không ít hệ lụy đã diễn ra từ việc vay mượn này. Từ một việc đúng đắn là yêu cầu trả nợ, nhiều người đã có những hành động sai như dùng vũ lực để lấy lại tài sản mà họ cho là thuộc về mình. Hành vi trên vô tình đẩy người đi đòi nợ vướng vào các tranh chấp  pháp lý.

Khi người vay không chịu trả nợ, để đòi nợ một cách hợp pháp, không vi phạm quy định của pháp luật, người cho vay nên khởi kiện người vay ra tòa để yêu cầu trả nợ. Theo đó, khi có phán quyết của tòa án, người vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho người cho vay. Trong trường hợp người vay không tự nguyện thi hành bản án, người cho vay có quyền đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế tài sản của người vay để thu hồi nợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng vòng lao lý vì... đòi nợ trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO