Xóa bỏ cây có chứa chất ma túy: Cần đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng sâu, rộng

Hồng Thoan| 26/09/2018 10:03

Mới đây, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp- PTNT) và Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật và phổ biến cách nhận biết, chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ cây có chứa chất ma túy năm 2018.

ADQuảng cáo

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu bởi đây là nội dung không mới song lại ít được tổ chức theo dạng diễn đàn như lần này. Qua tham luận, thảo luận, các nhà quản lý, nhiều đại biểu mới vỡ lẽ: Thì ra một nội dung khá quan trọng là cách nhận biết các loại cây có chứa chất ma túy nhưng lại chưa được tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng.

Theo anh Điểu Toan, Trưởng bon Phung, xã Quảng Tân (Tuy Đức), tham gia hội thảo, anh đã được giới thiệu cụ thể hơn về đặc điểm, cách nhận biết các cây có chứa chất ma túy, cách phân biệt được các biểu hiện của người sử dụng các loại ma túy thường gặp.

Anh Điểu Toan, Trưởng bon Phung, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức (ngoài cùng bên trái ảnh) lần đầu tiên được tham gia đợt tập huấn chuyên đề về xóa bỏ cây có chứa chất ma túy

Anh Điểu Toan cho biết: “Qua tivi, sách, báo cũng đã biết đến cây có chứa chất  ma túy, tội phạm về ma túy nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một buổi tập huấn chuyên sâu về nội dung xóa bỏ cây có chứa chất ma túy. Thực tế, với lượng kiến thức nhiều, đòi hỏi sự hiểu biết cả chiều rộng và chiều sâu nên cũng khó cho những người như chúng tôi”.

Không chỉ cán bộ thôn, ngay cả lực lượng Công an xã, nhiều người cũng lần đầu được tham gia lớp tuyên truyền này. Anh Y Trớp, Phó Trưởng Công an xã Trường Xuân (Đắk Song) cho biết:  Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia đợt tập huấn như thế này. Thực tế thì với nhiệm vụ như chúng tôi thường sát dân để tuyên truyền và phòng, chống ma túy thì việc được các đơn vị chuyên môn tăng cường, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống trồng cây có chứa chất ma túy, tội phạm ma túy là rất cần thiết, hữu ích. Ví dụ, qua đây, cùng với nhận biết các loại cây có chứa chất ma túy, tôi được giới thiệu về các hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng.  Cũng theo anh Y Trớp, từ trước đến nay, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào trồng cây có chứa chất ma túy nhưng địa phương vẫn được đánh giá là có nguy cơ tiềm ẩn về ma túy vì toàn xã hiện có 25 đối tượng sử dụng chất ma túy thuộc diện quản lý của công an xã.

ADQuảng cáo

Thống kê từ năm 2011 đến nay, đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp-PTNT chỉ tổ chức được 11 lớp tập huấn, cấp phát 625 cuốn tài liệu liên quan đến phòng, chống ma túy. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh không có hoạt động tập huấn nào liên quan đến nội dung này. Việc tuyên truyền chưa sâu, rộng, nhất là vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỉnh có nhiều xã được cơ quan chuyên môn xác định có nguy cơ về trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Theo đó, ở nhiều xã có đông người dân di cư từ phía Bắc vào thường có hủ tục sử dụng thuốc phiện trong tang lễ, cưới hỏi, lễ hội nên rất khó triệt bỏ nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy. Trong đó, các vụ phát hiện các loại cây này chủ yếu là trồng xen với các loại cây khác trong vườn rẫy nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng, địa phương trong phát hiện, tố giác của nhân dân. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công an xã, thôn còn chưa được cập nhật thông tin nhiều về việc trồng các loại cây nguy hiểm này nên càng khó trong việc phòng, chống.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát hiện, bắt 34 vụ với 59 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, 3 vụ trồng cây cần sa, thuốc phiện trái phép. Trong đó, 3 vụ trồng cây có chứa chất ma túy được phát hiện gồm tại địa bàn các xã: Đắk R’măng (Đắk Glong), trồng 1.015 cây cần sa;  Nâm N’Jang (Đắk Song) trồng 31 cây thuốc phiện; Quảng Phú (Krông Nô) trồng hơn 1.000 cây cần sa và tàng trữ ma túy, hêrôin, cần sa.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn: Cây cần sa đang có nguy cơ bùng phát. Các địa phương phát hiện cây này chủ yếu tại Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long. Thậm chí, ở một số thành phố, đối tượng còn trồng theo quy trình, công nghệ hiện đại như trong nhà kính, dưới hầm nên rất khó phát hiện.

Đến nay, toàn tỉnh có 676 người nghiện ma túy ngoài cộng đồng, tăng 25 người so với thời điểm cuối năm 2017. Số người nghiện tăng chủ yếu là người sử dụng ma túy tổng hợp, người dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh. Với thực tế này,  nếu như cơ quan chuyên môn không đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền theo hướng tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu để đông đảo nhân dân, các cấp, ngành biết tác hại để phòng, chống thì việc kiểm soát tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy, tội phạm ma túy sẽ tiềm ẩn nhiều phát sinh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ cây có chứa chất ma túy: Cần đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng sâu, rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO