Xung quanh việc cưỡng chế giải tỏa các hộ dân trong khu vực Rừng phòng hộ cảnh quan dọc Quốc lộ 14 thuộc địa phận Đắk Song: Được đa số nhân dân đồng thuận

Hà An| 19/05/2014 10:41

Ngày 26/4, huyện Đắk Song đã tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân đang lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái phép thuộc khu vực Rừng phòng hộ cảnh quan dọc Quốc lộ 14. Theo đó, địa phương đã áp dụng biện pháp này để tháo dỡ nhà cửa, lều quán của một số hộ dân (chủ yếu thuộc địa bàn xã Nâm N’jang và Trường Xuân), trả lại diện tích đất rừng với tổng diện tích đất 4,7 ha. Việc này được chính quyền địa phương thực hiện đúng quy trình pháp luật và công khai, được đa số nhân dân đồng thuận. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, một số cơ quan báo chí ngoài tỉnh đã có những thông tin thiếu tính xác thực. Bài viết này nhằm góp phần làm rõ bản chất vụ việc nêu trên.

ADQuảng cáo

Nhiều người dân đồng tình

Theo phương án ban đầu, trong đợt này, có 42 hộ dân thuộc diện cưỡng chế, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị quản lý rừng trồng lại rừng. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, khu vực này đã có có 16 hộ dân tự dỡ bỏ nhà cửa, lều quán, vật kiến trúc, cây trồng, trả lại hiện trạng mặt bằng và ký cam kết không tái lấn chiếm.

Số còn lại, trong ngày thực hiện phương án cưỡng chế, đã có thêm 11 hộ xin tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, lều quán để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Như vậy, thực tế chỉ có 15 hộ phải cưỡng chế. Theo phương án ban đầu, thời gian cưỡng chế sẽ phải kéo dài trong 2 ngày nhưng trên thực tế chỉ mất chưa đến nửa ngày, đoàn cưỡng chế đã thực hiện xong vì đa phần người dân đã tự giác giải phóng mặt bằng.

Lực lượng cưỡng chế tiến hành thống kê, kiểm đếm cẩn thận tài sản để bàn giao cho dân

Ông Vũ Khắc Bình, ở thôn 9, xã Nâm N’jang, một trong những hộ tự giác tháo dỡ lều quán, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước cho biết: “Gia đình tôi không có nương rẫy, mấy năm nay chỉ sống nhờ vào việc buôn bán ở khu vực rừng thông này. Khi nghe huyện thông báo giải tỏa các hộ dân để lấy đất trồng rừng, quả thật, tôi cũng rất buồn và lo lắng vì sau khi giải tỏa không biết buôn bán ở đâu. Tuy nhiên, sau khi nghe cán bộ tuyên truyền, giải thích, tôi thấy việc giải tỏa để trồng lại rừng là cần thiết. Vả lại, gia đình tôi sử dụng đất rừng khi chưa có sự cho phép của chính quyền là không đúng nên tôi đã động viên vợ con, tự giác tháo dỡ nhà cửa, lều quán để tránh tổn thất”.

Cũng như ông Bình, gia đình ông Nguyễn Văn Ba, ở thôn 10, xã Nâm N’jang, là một trong những hộ đầu tiên tự giác tháo dỡ lều quán, ngưng hoạt động kinh doanh để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước khi có chủ trương giải phóng mặt bằng khu vực rừng phòng hộ cảnh quan dọc Quốc lộ 14.

Ông Ba cho biết: ”Mặc dù đã buôn bán ở khu vực rừng thông này hơn 10 năm nay nhưng tôi biết đang vi phạm quy định vì lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái phép. Vì thế, khi địa phương có lệnh giải tỏa, gia đình tôi đã chấp hành bằng việc tự dỡ bỏ lều quán, không hề có hành động nào gây khó dễ đối với chính quyền".  

ADQuảng cáo

Không chỉ hộ gia đình ông Bình, ông Ba, trong quá trình thực hiện cưỡng chế, giải tỏa đợt một này, đa phần người dân đã đồng thuận, ủng hộ chính quyền, chỉ có một số hộ bị đối tượng xấu xúi dục, lôi kéo nên có thái độ phản đối.

Chính quyền địa phương đã thực thi đúng luật

Ông Nguyễn Hữu Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định: Trước khi thực hiện phương án cưỡng chế, UBND huyện đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo pháp luật như xây dựng kế hoạch gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyên truyền, vận động các hộ dân thuộc phạm vi cưỡng chế hiểu được chủ trương, mục đích của việc giải phóng rừng phòng hộ cảnh quan là để trồng, bảo vệ rừng được tốt hơn; tạo điều kiện khuyến khích người dân tự tháo dỡ nhà cửa, lều quán, vật kiến trúc bằng việc hỗ trợ mỗi hộ gia đình 5 triệu đồng nếu tự ý tháo dỡ.

Với quan điểm chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thực sự cần thiết nhằm tránh tổn thất cho người dân nên huyện đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động. Bằng nhiều hình thức như gửi văn bản, tuyên truyền miệng, mời các hộ liên quan họp, gặp mặt để tuyên truyền và tổ chức đối thoại trực tiếp khi người dân có thắc mắc nên số hộ bị áp dụng hình thức cưỡng chế là không nhiều.

Tuy nhiên, cũng có một số hộ dân trong quá trình thực hiện phương án cưỡng chế thiếu sự hợp tác, thậm chí chống đối bằng việc xúi dục, kích động các hộ dân khác cũng như tìm nhiều cách làm khó dễ chính quyền. Điển hình như trong ngày cưỡng chế, có 2 hộ dân ở bon Boong Rinh, xã Nâm N’jang đã không có mặt, khóa trái cửa… Những hộ này trước khi cưỡng chế, huyện đã xem xét, ưu tiên bố trí tái định cư nhưng vẫn không đồng thuận.

Trong khi đó, việc thực hiện phương án cưỡng chế của huyện là rất công khai, minh bạch như thông báo cưỡng chế đến từng hộ dân, tổ chức họp để vận động, tuyên truyền. Trong ngày cưỡng chế, huyện cũng có mời các cơ quan thông tấn báo chí để đưa tin tuyên truyền. Vì thế, những thông tin như một số tờ báo nêu thời gian qua là hoàn toàn không đúng sự thật.

Cũng theo ông Khánh, sau khi tiếp nhận thông tin sai lệch của một vài cơ quan báo chí ngoài tỉnh, huyện đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền để kịp thời có hướng chỉ đạo, xử lý; đồng thời, gửi văn bản yêu cầu cơ quan báo chí có bài viết phản ánh thiếu trung thực, khách quan phải đính chính nội dung thông tin đã đăng tải.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc cưỡng chế giải tỏa các hộ dân trong khu vực Rừng phòng hộ cảnh quan dọc Quốc lộ 14 thuộc địa phận Đắk Song: Được đa số nhân dân đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO