Xung quanh việc thu hồi mặt bằng xây dựng trung tâm cụm xã Nâm Nung: Cần thực hiện đúng quy trình, tạo sự đồng thuận

Phước - Tuấn| 14/06/2017 09:54

Cuối tháng 5/2017, UBND xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã huy động một số phương tiện máy móc đến khu vực trung tâm cụm xã Nâm Nung, ở bon Ja Ráh để tiến hành san ủi mặt bằng một số diện tích đất bị người dân địa phương lấn chiếm…Việc này đã bị nhiều hộ dân (chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số) cản trở, vì cho rằng một số diện tích đất trong khu vực này có nguồn gốc đất trước đây của họ khai hoang, chính quyền địa phương cũng chưa thông báo gì đã tiến hành san ủi. Vậy sự việc này như thế nào ?

ADQuảng cáo

Lực lượng chức năng xã Nâm Nung (Krông Nô) bảo vệ máy móc san ủi tại khu vực 6,6 ha bị người dân địa phương tái lấn chiếm

Vào tháng 4/2009, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định phê duyệt danh mục công trình đầu tư xây dựng mới 5 trung tâm cụm xã, trong đó có xã Nâm Nung.

Theo ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, vào năm 2010, UBND huyện Krông Nô đã ban hành quyết định thu hồi 56,7 ha đất lâm nghiệp và rừng trồng của Lâm trường Nâm Nung (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nâm Nung), bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng. Khu vực trung tâm cụm xã Nâm Nung được quy hoạch trong diện tích thu hồi trên.

Mặc dù đã được bàn giao về cho địa phương từ năm 2010 nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến mùa khô 2014 - 2015, UBND xã Nâm Nung mới tiến hành vận động nhân dân, giải phóng mặt bằng và san ủi được khoảng 22 ha.

Vào thời điểm đó, việc thực hiện san ủi, giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản và không hề có kiến nghị nào từ phía người dân địa phương. Sau đó, UBND xã Nâm Nung đã giao 2,07 ha cho trường cấp 2 xã, gần 1,2 ha cho trường mầm non và 1,4 ha để xây dựng chợ tại khu vực này. Đến thời điểm hiện tại, một số công trình như chợ, trường học đã xây dựng xong và bắt đầu đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, tại khu vực 22 ha đất đã giải phóng mặt bằng xuất hiện tình trạng người dân địa phương tái lấn chiếm. Rà soát mới nhất của UBND xã Nâm Nung cho thấy có khoảng 6,6 ha đang bị người dân lấn chiếm, trồng các loại cây ngắn ngày. Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các hộ dân không được trồng cây trên khu vực này nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra.

Ở một khía cạnh khác, ông Y Krick, ở xã Nâm Nung (nguyên Bí thư Chi bộ xã Nâm Nung từ năm 2001 - 2003) cho rằng gia đình mình đã khai hoang khoảng 4 ha đất tại khu vực này từ đầu những năm 1980  và đã được chính quyền địa phương xác nhận. Sau khi khai hoang, gia đình ông đã trồng lúa và nhiều loại cây trồng trên diện tích đất trên. Vào năm 2009, gia đình ông đã trồng cao su trên diện tích 3 ha, khoảng 1 ha còn lại được gia đình ông trồng các loại cây ngắn ngày.

ADQuảng cáo

Mặc dù nắm được thông tin 4 ha của mình nằm trong tổng diện tích 56,7 ha đã được thu hồi, bàn giao về cho địa phương quản lý nhưng ông Y Krick cho rằng UBND xã Nâm Nung đã không thông báo gì về việc thu hồi diện tích đất trên và cũng chưa đền bù, hỗ trợ gì.

Ông Y Krick bày tỏ: “Thứ nhất, tôi yêu cầu địa phương phải chứng minh nguồn gốc đất của ai trước khi thu hồi. Thứ hai, trước khi tiến hành thu hồi thì phải đưa quyết định của các cấp có thẩm quyền cho người dân biết. Thứ ba, phải lập phương án đền bù, bồi thường trước khi thu hồi”.

Thế nhưng, ông Trần Văn Quảng lại cho rằng phần lớn diện tích của ông Y Krick nằm trong 22 ha đã san ủi. Mặc dù địa phương đã nhiều lần mời ông Y Krick và một số hộ dân lấn chiếm đất lên làm việc nhưng họ không hợp tác và vẫn canh tác trên diện tích này.

Sau khi báo cáo và được UBND huyện Krông Nô đồng ý, UBND xã đã nhiều lần thông báo trên đài truyền thanh xã về việc sẽ san ủi, thu hồi mặt bằng khu vực 6,6 ha bị lấn chiếm từ ngày 25/5. Việc chính quyền huy động con người và máy móc vào khu vực này là để bảo vệ quá trình san ủi, thu hồi diện tích bị tái lấn chiếm chứ không phải địa phương tiến hành cưỡng chế.

Ngoài diện tích 22 ha đã san ủi, gần 34 ha còn lại trong tổng diện tích 56,7 ha đã được giao về cho địa phương quản lý đang được người dân địa phương trồng các loại cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, cao su…

Về phương án xử lý diện tích này, ông Quảng cho hay: “Sau khi được UBND huyện Krông Nô đồng ý chủ trương, hiện UBND xã Nâm Nung đang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện để đo đạc, kiểm đếm diện tích cây trồng của người dân trong diện tích trên. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân địa phương theo đúng quy định của pháp luật”.

Qua diễn biến của vụ việc cho thấy đất bị lấn chiếm đã được quy hoạch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và hợp tác cũng như thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các quy trình theo quy định, tránh tình trạng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc thu hồi mặt bằng xây dựng trung tâm cụm xã Nâm Nung: Cần thực hiện đúng quy trình, tạo sự đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO