Ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật trong Nhân dân đã có những tiến bộ rõ nét

Phan Tuấn thực hiện| 08/11/2019 09:34

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) có vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Tư pháp về công tác TTPBPL hiện nay.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Trung Hiếu

P.V: Ông có thể đánh giá về nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của người dân hiện nay, nhất là những địa bàn vùng sâu vùng xa?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Khi đời sống của người dân được nâng cao thì trình độ nhận thức về pháp luật cũng được nâng lên. Thông qua các hoạt động TTPBPL, các hội thi tìm hiểu pháp luật... trên địa bàn tỉnh cho thấy, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến pháp luật. Hiện nay, ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật trong Nhân dân đã có những tiến bộ hết sức rõ nét.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... ý thức pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật. Tình trạng người dân tham gia các quan hệ dân sự nhưng không nắm vững quy định của pháp luật vẫn còn rất phổ biến trong cuộc sống.

Đặc biệt, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như: tảo hôn, bạo lực gia đình, ma túy... Mặt khác, do trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, nên trong những năm gần đây, người dân vùng sâu, vùng xa rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật. Điển hình nhất phải kể đến việc một số người dân dính líu đến các vụ án về ma túy, mua bán người… tại địa phương.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền pháp luật thời gian qua?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Những năm gần đây, công tác TTPBPL trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Việc lựa chọn nội dung, hình thức TTPBPL cũng được triển khai một cách phù hợp, sát thực với từng nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong đó, công tác TTPBPL luôn ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn…

Thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị, đoàn thể cũng có những hình thức TTPBPL phong phú, đa dạng. Nổi bật là việc ứng dụng mạng xã hội, tọa đàm, tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội thi… nhằm đẩy mạnh TTPBPL. Một điều đáng phấn khởi nữa đó là, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác TTPBPL cũng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TTPBPL còn tồn tại không ít khó khăn. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác TTPBPL. Thậm chí một số cơ quan, đơn vị còn giao khoán cho cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế để TTPBPL. Đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBPL, đặc biệt là tuyên truyền viên pháp luật cơ sở, còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn và hạn chế về kỹ năng phổ biến pháp luật. Một yếu tố nữa là hạ tầng giao thông tại các xã vùng sâu, vùng xa... chưa thuận lợi nên việc cán bộ, công chức phục vụ việc TTPBPL còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người dân.

P.V: Ông có thể cho biết một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân?

Ông Nguyễn Trung Hiếu: Qua thực tiễn công tác cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác TTPBPL, nhân tố con người là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động này.

Xác định được điều đó, thời gian tới, Sở Tư pháp đã tập trung tăng cường củng cố, kiện toàn và xây dựng đội ngũ làm công tác TTPBPL từ tỉnh về đến cơ sở vững mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng. Những người làm công tác tuyên truyền phải trau dồi kỹ năng truyền đạt, có kiến thức sâu về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và kiến thức xã hội để làm tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức TTPBPL sao cho phù hợp với phong tục tập quán từng vùng miền, dân tộc, từng đối tượng cụ thể. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan chú trọng đến khâu biên soạn tài liệu, cung cấp thông tin sao cho đúng trọng tâm, ngắn gọn để giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ khi tiếp cận với các chính sách pháp luật.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát từ đặc điểm tính cách “thật thà, chất phác”, Sở Tư pháp sẽ yêu cầu các đơn vị khi TTPBPL cần chú trọng đến việc sử dụng người thực, việc thực để tuyên truyền. Mặt khác, Sở Tư pháp cũng sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh TTPBPL qua việc phân tích các vụ việc vi phạm pháp luật phức tạp, được dư luận địa phương quan tâm. Đây là hình thức TTPBPL mang tính thiết thực, trực tiếp tác động đến nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rõ những hành vi nào là đúng hoặc sai trái, vi phạm pháp luật. Từ đó, thể hiện tính chất răn đe trực tiếp đối với các đối tượng coi thường, bất chấp pháp luật, từng bước củng cố lòng tin của người dân đối với pháp luật.

Trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan chú trọng phổ biến pháp luật qua mạng lưới truyền thanh cơ sở để người dân dễ dàng nghe và tiếp thu. Việc TTPBPL phải tập trung, phát huy được vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn, bon, người có uy tín, cán bộ hòa giải… để nâng cao hiệu quả hơn.

Sau mỗi đợt TTPBPL, Sở Tư pháp sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút kinh nghiệm để phát huy những kết quả, khắc phục mặt còn hạn chế, thiếu sót. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ thường xuyên động viên, khen thưởng kịp thời những người đạt thành tích xuất sắc trong công tác TTPBPL...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý thức chấp hành, thực hiện pháp luật trong Nhân dân đã có những tiến bộ rõ nét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO