Ðất, rừng phòng hộ Thủy Ðiện Ðắk N’teng bị lấn chiếm: Chính quyền chậm vào cuộc

Lê Phước| 05/05/2017 10:26

Thời gian qua, một số diện tích đất được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty TNHH Thủy điện Mê Kông II (Công ty Mê Kông II), chủ dự án công trình thủy điện Đắk N’teng, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) để trồng rừng phòng hộ đã bị người dân địa phương lấn chiếm canh tác nông nghiệp. Mặc dù sự việc được phát hiện và báo cáo lên chính quyền địa phương từ rất sớm, các đối tượng vi phạm cũng được xác định nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí ngày càng diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có mặt tại khu vực kênh dẫn nước phục vụ hoạt động của Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đắk N’teng nằm trên địa bàn bon R’but, xã Quảng Sơn. Dọc 2 bên bờ kênh bê tông (rộng gần 4m), nhiều diện tích cây công nghiệp, cây ngắn ngày mọc lên xanh tốt. Trong đó, điều đáng chú ý là những rẫy cà phê đã 3 - 4 năm tuổi và đã bắt đầu cho thu bói vào vụ thu hoạch trước.

Điều đáng nói là toàn bộ diện tích dọc bờ kênh không phải là đất nông nghiệp mà thuộc 26,95 ha đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh giao cho Công ty Mê Kông II quản lý, bảo vệ và trồng rừng từ năm 2008. Ngoài 3,5 km kênh dẫn dòng và hệ thống đường giao thông chạy dọc kênh, toàn bộ diện tích còn lại ở 2 bên bờ kênh sẽ là rừng phòng hộ (rừng có sẵn và rừng trồng) nhằm tạo cảnh quan, ngăn ngừa xói mòn… cho kênh dẫn dòng. Sau khi hoàn thiện các hạng mục và đưa NMTĐ đi vào hoạt động, Công ty Mê Kông II đã triển khai trồng rừng phòng hộ theo quy hoạch. Nhưng vào vụ trồng rừng năm 2013, khi công ty cải tạo đất và bắt đầu xuống giống cây keo lai thì một số hộ dân địa phương đã đến hủy hoại cây và lấn chiếm đất để canh tác.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc NMTĐ Đắk N’teng, sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã nhắc nhở, vận động người dân ra khỏi khu vực trên. Tuy nhiên, các đối tượng này bất hợp tác, thậm chí có hành vi đe dọa người của đơn vị.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ thủy điện Đắk N’teng nằm trên địa bàn bon R’but, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) bị người dân hủy hoại, lấn chiếm.

Trước tình hình đó, Công ty Mê Kông II đã đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý. Tháng 7/2013, UBND xã Quảng Sơn đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông Lê Đình Thi (ở thôn 3A, xã Quảng Sơn). Tháng 10/2013, Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Đắk Glong đã phối hợp với UBND xã Quảng Sơn và Công ty Mê Kông II kiểm tra thực tế tại hiện trường và xác định hơn 1 ha rừng trồng keo lai năm 2013 đã bị người dân nhổ bỏ, lấn chiếm đất để trồng cà phê.

ADQuảng cáo

Đến tháng 11/2013, ông Lê Đình Thi tiếp tục hủy hoại thêm 3,5 ha keo lai và chiếm toàn bộ diện tích trên để trồng cà phê và các loại cây trồng khác. Vào tháng 5/2016, khi công ty mới phát dọn khoảng 3 ha để chuẩn bị trồng rừng thì một nhóm khoảng 10 người do ông Y Quỳnh và ông Trần Xuân Trần Xuân Tĩnh (cùng xã Quảng Sơn) trực tiếp thuê đã ngang nhiên vào trồng sắn trên diện tích này. Nhân viên quản lý vận hành của công ty đã trực tiếp yêu cầu nhóm người này không được lấn chiếm, trồng trọt nhưng nhóm người này vẫn tiếp tục làm và không chịu dừng lại. Hiện nay, tổng diện tích đất của công ty bị người dân địa phương lấn chiếm đã lên gần 8 ha.

Tháng 7/2016, UBND xã Quảng Sơn đã tiến hành xác minh vụ việc theo kiến nghị của Công ty Mê Kông II. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 3 người dân đã có hành vi lấn chiếm đất của doanh nghiệp. UBND xã Quảng Sơn đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc những người dân phải trả lại đất để Công ty Mê Kông II trồng lại rừng. Nhưng đến nay, những người dân này đều chưa chấp hành nộp phạt và không trả lại đất cho phía doanh nghiệp. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý nào với các đối tượng và diện tích đất đã bị lấn chiếm.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðắk Glong cho rằng: Vụ việc người dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ của Công ty Mê Kông II thuộc thẩm quyền xử lý của UBND xã Quảng Sơn. Vụ việc này được báo cáo sớm, các đối tượng cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết là do UBND xã Quảng Sơn quá thờ ơ. Quan điểm của UBND huyện là kiên quyết thu hồi diện tích bị lấn chiếm, trả lại cho doanh nghiệp để họ trồng rừng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND xã Quảng Sơn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc, tránh tạo tiền lệ xấu.

Được biết, từ năm 2013 tới nay, Công ty Mê Kông II đã rất nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng, từ cấp xã rồi cấp huyện vẫn chưa được giải quyết và năm 2016 doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị lên UBND tỉnh. Sau khi có ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc của lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện Đắk Glong giao cho xã Quảng Sơn kiểm tra, xác minh xử lý hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp lấn chiếm đất và phải báo cáo kết quả trước ngày 15/10/2016. Mới đây, vào ngày 10/4/2017, UBND huyện Đắk Glong đã có văn bản yêu cầu UBND các xã phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, thực hiện hết và đúng thẩm quyền của mình khi phát hiện các hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Trường hợp các xã xử lý hết thẩm quyền mà người có hành vi vi phạm vẫn không trả lại đất lấn, chiếm thì chuyển hồ sơ đến UBND huyện để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Đỗ Ngọc Hiếu lại cho rằng: Thẩm quyền buộc người dân lấn chiếm trả lại đất thuộc về UBND cấp huyện. Vì vậy, UBND xã Quảng Sơn đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề nghị UBND huyện buộc những người dân phải trả lại diện tích đã lấn chiếm cho Công ty Mê Kông II.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðất, rừng phòng hộ Thủy Ðiện Ðắk N’teng bị lấn chiếm: Chính quyền chậm vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO