Sự phản bội Cách mạng tháng Mười

Vũ Hà| 08/11/2018 09:04

Năm 1991 Liên Xô – quê hương Cách mạng tháng Mười sụp đổ do có bàn tay can thiệp từ bên ngoài của các thế lực thù địch, thông qua hoạt động chiến lược Diễn biến hòa bình – “giành chiến thắng mà không cần chiến tranh”.

ADQuảng cáo

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô diễn ra trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản cùng với những gì cũ kỹ lạc hậu và bảo thủ đã tiêm nhiễm vào cơ thể của CNXH hiện thực đã làm cho nó ngày càng suy yếu dẫn đến sụp đổ.

Khoảng từ thập niên 1970, lý tưởng XHCN và Cách mạng tháng Mười đã bị phản bội một cách rõ nét. Những sai lầm của lãnh đạo Xô viết tích tụ dần và ngày càng nặng nề đã gây ra sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế, xã hội. Mô hình kinh tế Liên Xô không được điều chỉnh để thích ứng với những biến chuyển của thế giới. Tầng lớp quan liêu, đặc quyền đặc lợi đã làm cho đất nước ngày càng khó khăn và dân chúng thì ngày càng bất mãn. Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo xa rời quần chúng và trở nên tha hóa, khiến chế độ XHCN ngày càng biến dạng trầm trọng.

Theo đó, những phần tử cơ hội và phản bội trong hàng ngũ cách mạng đã gục ngã trước sức cám dỗ của các tư tưởng phong kiến, tiểu tư sản, tư sản phản động, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi... Họ lộ mặt là những quan phong kiến hoặc các nhà tư bản phản động khoác áo cách mạng, đến với cách mạng nhưng chưa diệt trừ được lòng tham xấu xa. Thế nên, sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô cũ sụp đổ, nhiều cựu đảng viên cộng sản theo phái “dân chủ” đã nhanh chóng chuyển hóa thành các nhà tài phiệt, hoặc chỉ đắm đuối vào hưởng thụ, quay lưng với những giá trị mà mình từng theo đuổi trước đó.

Sinh thời, sự thái hóa, dẫn đến phản bội của những người cách mạng đã được Lênin chỉ ra trong nhiều bài viết phê phán, cảnh tỉnh tệ quan liêu độc đoán, bệnh hành chính, sự tha hóa biến chất trong đội ngũ cán bộ và hệ thống Xô viết. Ông kịch liệt đấu tranh chống bệnh hình thức, thành tích, nóng vội, chủ quan duy ý chí, sùng bái cá nhân… Lênin cũng chỉ ra nhiều nguyên tắc xây dựng CNXH đã bị những người cộng sản vi phạm nghiêm trọng... Đây chính là mầm mống của sự phản bội lý tưởng XHCN, lý tưởng Cách mạng tháng Mười và dẫn đến sụp đổ Liên bang Xô viết sau này.

ADQuảng cáo

Mặt khác, một bộ phận hô hào trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng lại hiểu một cách giáo điều về học thuyết sáng tạo này. CNXH ở Liên Xô vì thế ít nhiều bị biến dạng, không phát huy đầy đủ sức sống kỳ diệu của nó và cuối cùng đã lụi tàn. Đặc biệt, bệnh kèn cựa cán bộ, chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết hết sức nguy hiểm. Hầu hết các lãnh đạo trực tiếp của cuộc Cách mạng tháng Mười về sau đều bị “hạ bệ” ở nhiều thời điểm khác nhau. Không ít vị tướng giỏi, với tư tưởng quân sự xuất sắc đã bị kẻ xấu vùi dập, gạt sang bên lề, thậm chí kiếm cớ sát hại. Điều này đã dẫn đến tổn thất rất lớn về nhân sự và gắn liền với bao hệ lụy cho đất nước Xô viết.

Việc đi ngược lại con đường của V.I.Lê-nin và hành động phiêu lưu của một bộ phận lãnh đạo Xô viết đã dẫn đến thảm họa tan rã Đảng, sụp đổ chế độ. "Điều kỳ lạ nhất là lần đầu tiên trong lịch sử lâu đời của quân đội, những người mặc quân phục không biết họ chiến đấu vì cái gì và bảo vệ ai?". Mai-cơ Đa-vit Đoi, một trí thức Mỹ từng sống 16 năm ở Liên Xô nhận xét: "… những gian khổ trên con đường đi lên CNXH đã khiến rất nhiều người đi đến kết luận sai lầm rằng ở phương Tây có một con đường khác ít gian khổ hơn nhiều khi xây dựng một thế giới "văn minh", và sự kém hiểu biết về bản chất của chủ nghĩa tư bản đã làm cho nó trở thành sự tìm kiếm dễ dàng và là vật hy sinh cho những điều kỳ diệu của "thương trường".

Sự phản bội nói trên tuyệt nhiên không phải là do bản chất của CNXH khoa học. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu không phải là sự “cáo chung” của CNXH, thực chất đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình CNXH chưa đúng đắn. Nói cách khác, đây là một thất bại mang tính tạm thời, một khúc quanh của lịch sử trong quá trình vận động, phản ánh quy luật lựa chọn và thử nghiệm mô hình xã hội tương lai. “Sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự đổ vỡ của một mô hình cụ thể của CNXH hiện thực, không phải sự sụp đổ của bản thân CNXH với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản trong tiến trình lịch sử”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng hoan hỉ chờ mong “cuộc thử nghiệm CNXH” sẽ chấm dứt trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, công cuộc xây dựng CNXH thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng đề xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Đảng ta đã nhận thức một trong những bài học quan trọng nhất, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng XHCN thành công ở nước ta, đó là kiên trì đi theo con đường Cách mạng tháng Mười, con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Bác Hồ đã tuyên bố từ năm 1927: "Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin".

Điều đáng lo ngại hiện nay là, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng một bộ phận lớp trẻ có hiện tượng “chán Đảng, phai Đoàn, nhạt chính trị” rất dễ bị lừa dối, kích động, chệch hướng. Khi mà lớp "hậu duệ" ít thấm nhuần những gian khổ, hy sinh, tổn thất của các thế hệ cha ông, và nếu họ không được giáo dục kỹ càng thì tới đây, việc “chuyển giao thế hệ” sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, muốn kế thừa giá trị của Cách mạng tháng Mười và thành quả của sự nghiệp xây dựng CNXH, tất yếu Đảng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ vững mạnh về tư tưởng và tổ chức.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự phản bội Cách mạng tháng Mười
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO