Tháo gỡ lực cản để phát triển HTX nông nghiệp ở Ðắk Nông

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 21/07/2022

Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động còn thiếu tính bền vững, chưa có tính đột phá. Do đó, việc tìm giải pháp phát huy vai trò chủ lực của các HTX nông nghiệp đang được các cấp, ngành, địa phương chú trọng.

Theo Sở NN-PTNT, giai đoạn 2012 - 2021, số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân 10,88%. Các HTX nông nghiệp hoạt động đa dạng lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch… Trong đó, HTX trồng trọt chiếm 69,85%; dịch vụ nông nghiệp chiếm 27,21%; còn lại là HTX chăn nuôi.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, nhiều HTX nông nghiệp đã phát huy vai trò “đầu tàu”, hướng dẫn thành viên sản xuất theo kế hoạch, đáp ứng các dịch vụ cơ bản.

HTX Đoàn Kết và HTX Thành Công, xã Nam Bình (Đắk Song), đã liên kết với Công ty Newman Group xây dựng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).

HTX đã quy tụ trên 200 hộ nông dân tham gia sản xuất 450 ha cà phê. Công ty Newman Group ký cam kết với HTX để tiêu thụ từ 400-500 tấn cà phê/năm.

Ông Vũ Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Bình cho biết, nhờ có HTX, nên vùng sản xuất cà phê tại xã Nam Bình ngày càng chất lượng, đáp ứng tương đối các tiêu chí để hình thành vùng nông nghiệp ƯDCNC.

Năng suất cà phê của HTX Đoàn Kết, xã Nam Bình (Đắk Song) khá cao, hiện đạt bình quân 5 tấn/ha

Tương tự, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, xã Nâm Nung (Krông Nô), đã thành công trong việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

HTX có 240 thành viên, với hơn 500 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê canh tác theo tiêu chuẩn 4C là trên 300 ha. HTX đã đạt chứng nhận canh tác cà phê bền vững UTZ do Hà Lan cấp.

Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 63 HTX thực hiện các loại hình liên kết, chiếm 46,32%. Trong đó, liên kết ngang có 37 HTX, liên kết dọc 15 HTX và liên kết chuỗi giá trị 11 HTX.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Qua số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay có 136/177 HTX nông nghiệp đang hoạt động.

Trong đó, số lượng HTX hoạt động khá, tốt còn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 18,38% trong tổng số HTX đang hoạt động. Số còn lại hoạt động cầm chừng.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, các HTX còn nhiều lực cản trong phát triển, nhất là người quản trị HTX chưa đủ năng lực, trình độ. Một số HTX không quan tâm đến các thành viên, nên rất khó phát triển.

Trong khi đó, nhiều ý kiến còn cho rằng hiện có không ít “HTX gia đình”, chỉ quy tụ những người thân, bà con, dòng họ để thành lập. Đây là kiểu “HTX trục lợi chính sách”, khi nhận hỗ trợ xong thì ngừng hoạt động.

Còn ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh kiến nghị, cần phải đánh giá, phân tích sâu về những lợi ích mà HTX mang lại cho các thành viên. Qua đó mới nhận thấy được những trở ngại căn bản để có giải pháp tháo gỡ.

Cũng theo ông Đương, để các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, ngành chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho hệ sinh thái kinh tế tập thể.

Đặc biệt, cần có chính sách đầu tư đào tạo con em nông dân thành những “thanh nông tri điền” thay cho “lão nông tri điền”, nông dân chuyên nghiệp thay cho nông dân cha truyền con nối.

"Chỉ có như vậy, các HTX nông nghiệp mới trở thành các tổ chức kinh tế lớn mạnh của nông dân", ông Đương nhấn mạnh.

Kim Ngân