Động lực cho văn hóa thổ cẩm

Đời sống - Ngày đăng : 09:23, 24/01/2019

Ngày 15/1/2019, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tại Đắk Nông.

Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến sâu sắc của các nhà nghiên cứu về văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là một hội thảo có chất lượng và được sự quan tâm sâu sắc của những đại biểu tham dự và giới truyền thông. Ngoài những bài tham luận có tính hàn lâm, học thuật hay thì nhiều người còn ấn tượng với một số ý kiến phát biểu mộc mạc của những nghệ nhân thổ cẩm là người các dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Thị Mai phát biểu tại Hội thảo khoa học “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”

Nghệ nhân Thị Mai ở huyện Đắk Song, trong bộ trang phục M’nông cách điệu rất đẹp, cho rằng: Thực chất đồng bào rất muốn mặc trang phục truyền thống. Ai mà lại không muốn mặc trang phục của dân tộc mình. Thế nhưng để dệt được một bộ trang phục truyền thống rất kỳ công, phải mất cả tháng trời. Hơn nữa giá một bộ trang phục truyền thống đắt gấp nhiều lần so với một bộ quần áo sơ mi. Trong khi đó, dân còn nghèo, phải lo miếng ăn hàng ngày, sao có đủ tiền để mua một bộ trang phục truyền thống. Bản thân tôi, vì yêu văn hóa và thổ cẩm truyền thống nên sẵn sàng tham gia dạy nghề dệt thổ cẩm, kể cả dạy miễn phí…

Một nghệ nhân khác, người dân tộc Mông của tỉnh Lào Cai là Giàng Thị Gấm với khuôn mặt thanh tú thông minh trong bộ trang phục thổ cẩm Mông nói: Em là người dân tộc Mông, sinh ra lớn lên ở một vùng quê miền núi rất nghèo và lạc hậu nhưng lại có một nền văn hóa thổ cẩm đầy bản sắc. Thế nhưng, trong khi chúng ta đang kêu gọi bảo tồn văn hóa truyền thống thì người dân ở quê em không còn mặc quần áo ngày xưa nữa. Bây giờ người ta mặc đồ tây, hoặc đồ Trung Quốc làm nhái thổ cẩm truyền thống vì giá rất rẻ. Và thế là bà con phải gói lại và cất đi những bộ quần áo, váy, khăn… làm bằng thổ cẩm truyền thống bao đời của tổ tiên… Nói đến đây Giàng Thị Gấm bỗng nghẹn ngào khóc, phải trấn tĩnh một lát sau mới tiếp tục phát biểu… Gấm mong Nhà nước có những có sự hỗ trợ để đồng bào người Mông bảo tồn thổ cẩm. Em cũng nói rằng, luận án tiến sĩ em sắp hoàn thành cũng là về dệt thổ cẩm của người Mông và suốt đời sẽ gắn bó với công việc này.

Từ phát biểu chân thành, giản dị của hai nghệ nhân Thị Mai và Giàng Thị Gấm và một số nghệ nhân khác… làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn nhiều vấn đề. Đặc biệt là nó phủ định ý kiến rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số đang chối bỏ hàng thổ cẩm truyền thống để đến với trang phục hiện đại, hàng công nghiệp. Thực chất đồng bào rất nặng lòng với văn hóa truyền thống, trong đó có thổ cẩm. Vấn đế là ở chỗ, để có một bộ thổ cẩm truyền thống thì rất tốn công và giá cả lại rất đắt, không phù hợp với túi tiền của bà con. Tất nhiên, trong điều kiện thời tiết thay đổi, văn hóa thay đổi, đồng bào không thể suốt ngày mặc trang phục dân tộc được nhưng có thể mặc vào những dịp lễ tết, hội hè, cúng giỗ, cưới hỏi, các cuộc sum họp cộng đồng, dòng họ…

Về trang phục truyền thống không chỉ là việc mặc như thế nào, mà đó là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng dân tộc. Muốn bảo tồn, phát huy những thành tố văn hóa truyền thống ấy trong đời sống có nhiều cách, trong đó rất quan trọng là cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Bảo tồn phải trên cơ sở giữ được cốt cách văn hóa dân tộc, nhưng cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Ngày nay, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục chuyển hóa, thay đổi và cải tiến cho phù hợp với điều kiện cuộc sống nhưng linh hồn, bản sắc, thông điệp của trang phục vẫn phải được bảo tồn. Điều quan trọng nhất đó là ý thức của người dân, những chủ thể sáng tạo hàng ngày sử dụng sản phẩm mình làm ra phải hiểu được giá trị của nó. Và tất nhiên, việc sử dung thổ cẩm, trang phục truyền thống không thể thực hiện một cách máy móc, không thể ép buộc... Trong điều kiện như vậy, rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ nguồn lực về cơ chế, kinh phí, tinh thần của các cấp, ngành và xã hội để văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam mãi trường tồn.

Vũ Hà