Thôn Đắk Thanh phát huy hiệu quả công trình cấp nước tập trung

Đời sống - Ngày đăng : 11:00, 26/06/2017

Hơn 10 năm nay, công trình cấp nước tập trung ở thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

Nhiều năm nay, gia đình bà Soạn thường xuyên sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung để phục vụ sinh hoạt hàng ngày

Mặc dù có giếng, nhưng bà Lò Thị Soạn lại sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung của thôn để phục vụ mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Khi được hỏi vì sao không dùng nước giếng cho đỡ tốn tiền nước, bà Soạn cho rằng, hàng năm, thôn đều lấy mẫu nước từ công trình cấp nước tập trung để đưa đi kiểm tra, xét nghiệm và đều thông báo kết quả cho bà con, nên dùng yên tâm hơn. Mỗi tháng, gia đình bà đều chuẩn bị 60.000 đồng để trả tiền nước. Bà luôn suy nghĩ, tiền gì không có thì tính sau, chứ tiền nước bao giờ cũng phải sẵn sàng đóng để thôn có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa khi máy móc hư hỏng.

Bà Soạn cho biết: “Hơn 10 năm sử dụng nước rồi, nên gia đình cũng quen miệng, quen tay, giờ lấy nước khác để sử dụng cho việc ăn uống là thấy khó chịu. Mỗi gia đình đều có đồng hồ nước riêng, tự bảo quản, sử dụng, theo dõi nên tránh được tình trạng nước không dùng mà vẫn phải trả tiền”.

Không riêng gì gia đình bà Soạn, khoảng 120 hộ dân ở thôn Đắk Thanh vẫn đều đặn sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung.

Theo ông Ngân Văn Soa, Bí thư thôn Đắk Thanh, công trình cấp nước tập trung được đưa vào sử dụng từ năm 2006, do dự án Danida (Đan Mạch) tài trợ và người dân đóng góp. Để việc cung cấp nước sinh hoạt cho bà con được thường xuyên, Tổ hợp tác quản lý công trình được thành lập và thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình vận hành, hoạt động của máy bơm, bể chứa nước. Bên cạnh đó, mỗi khi máy móc có gì hư hỏng thì tổ đều tiến hành sửa chữa kịp thời. Số tiền sửa chữa, bảo hành này được trích từ tiền sử dụng nước bà con đóng hàng tháng. Tổ hợp tác cũng chú trọng quản lý chất lượng nước bằng việc mỗi năm một lần tiến hành lấy mẫu nước đi kiểm tra, xét nghiệm rồi thông báo cho bà con kết quả để yên tâm sử dụng.

Qua tìm hiểu được biết, Nam Xuân là địa bàn thường xuyên thiếu nước vào mùa khô hạn, nên việc công trình cấp nước tập trung được sử dụng hiệu quả đã góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu nước. Hơn nữa, có công trình cấp nước tập trung, người dân cũng hạn chế khoan nước ngầm mỗi khi gặp hạn hán. Bởi khoan giếng như vậy, bà con không chỉ tốn kém về tiền của, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm trong khu vực.

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của công trình cấp nước tập trung của thôn Đắk Thanh mà nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ tài sản chung của người dân được nâng lên đáng kể. Người người, nhà nhà đều tự giác, chung tay giữ gìn, phát huy hiệu quả công trình cấp nước.

Có thể nói, hiện nay, nhiều công trình cấp nước tập trung ở các địa phương trong tỉnh luôn lâm vào tình trạng "cha chung không ai khóc", phải ngừng hoạt động. Do đó, việc thôn Đắk Thanh vẫn phát huy được hiệu quả công trình cấp nước tập trung, phục vụ đời sống người dân là điều rất đáng biểu dương và các thôn, bon khác cần phải học tập.

Hoàng Bảo