Bình yên rừng Nam Tây Nguyên

Ghi chép: Công Tính| 18/01/2016 15:05

Hơn 3 năm trước, nói đến những khu rừng ở Quảng Trực, Đắk Ngo (Tuy Đức), nơi giáp ranh với huyện Bù Đăng (Bình Phước) thì nhiều người dân, cán bộ quản lý bảo vệ rừng không khỏi lo lắng bởi mức độ lộng hành của “lâm tặc”. Còn bây giờ, những chuyện như vậy chỉ là những ký ức đáng quên.

ADQuảng cáo

Kể từ năm 2012, sau vụ việc hàng chục “lâm tặc” đốt nhiều xe máy, phá trạm giữ rừng và đánh trọng thương các cán bộ quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Nam Tây Nguyên (Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên), đến nay chúng tôi mới có dịp quay lại khu vực rừng Quảng Trực, nơi giáp ranh huyện Bù Đăng.

Đường vào rừng chỉ có một lối đi duy nhất là qua con suối Đắk Zên, từ phía tỉnh Bình Phước. Đoạn đầu cửa rừng luôn tấp nập người qua lại làm rẫy. Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ở ngay bên đường và giáp phần đất Công ty TNHH Kiến Trúc Mới.

Việc tuần tra quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên giờ đã bớt khó khăn, bất trắc

Theo những người dân canh tác nơi đây, rừng của Công ty Kiến Trúc Mới được giao quản lý đã bị xâm chiếm gần hết. Đây là hệ quả của những vụ chặt phá rừng ào ạt mấy năm về trước… Tiếp tục đi vào sâu hơn, những cánh rừng bạt ngàn mới hiện ra. Nơi trước đây đã xảy ra vụ việc hàng chục “lâm tặc” đốt phá nhà, hành hung nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng, bây giờ cây rừng đã phủ kín.

Giải thích về những thay đổi này, anh Phạm Quang Trung, cán bộ quản lý bảo vệ rừng Công ty Nam Tây Nguyên cho biết: “Ngay sau khi các cơ quan chức năng bắt nhiều đối tượng “lâm tặc” cộm cán thì tình hình xâm hại rừng cũng giảm dần. Nhiều diện tích đất rừng, rừng bị xâm hại, công ty đã thu hồi và bảo vệ và tổ chức trồng rừng mới… Cứ vậy, cây rừng phủ đến đâu, trạm quản lý bảo vệ dời ra chỗ mới đến đó”.

Đi vào sâu hơn, những nơi đường mòn trước đây từng in đậm dấu chân “lâm tặc”, giờ cây rừng giăng kín lối đi. Bao trùm cả khu rừng, tiếng chim chóc vang lên trong khoảng không vắng lặng.

ADQuảng cáo

Là người bám trụ khu rừng này nhiều năm và là nạn nhân bị nhóm “lâm tặc” hành hung trọng thương, anh Trung nhớ như in không gian khu rừng này, trước đây. Theo anh Trung, từ năm 2010-2012, không chỉ ban ngày mà cả buổi tối, tiếng xe, tiếng máy cưa, máy cày tấp nập khu vực. Đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng, việc bị hành hung, đe dọa là chuyện thường…

Còn hiện nay, tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng của đơn vị đã giảm hẳn. Vào buổi tối, tiếng cưa, tiếng xe máy ra vào rừng đã không còn nên anh em ngủ cũng bớt lo lắng, hồi hộp. Quả thực, khi chúng tôi trải qua một đêm gần như thức trắng bởi cái lạnh ở rừng, càng cảm nhận rõ hơn sự yên tĩnh, thanh bình đang hiện hữu ở nơi đây.

Ông Phạm Hòa Dũng, Phó Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên khẳng định có được sự bình yên này là do hiệu quả của sự phối hợp quản lý bảo vệ rừng, gắn với phát triển kinh tế của đơn vị và người dân địa phương. Trước đây, nhiều diện tích cao su đơn vị phối hợp giao khoán để người dân chăm sóc luôn bị nhiều đối tượng phá phách, cản trở. Còn hiện nay, không chỉ cao su được chăm sóc tốt, mà tình trạng xâm hại rừng đã không còn. Có được kết quả này phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các cấp, ngành, lực lượng công an tỉnh trong việc giải tỏa “điểm nóng” phá, lấn chiếm đất rừng”, ông Dũng khẳng định.

Cũng theo ông Dũng, để giữ ổn định khu rừng này, hiện tại, công ty đã tăng cường thêm lực lượng, xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, về lâu dài, cán bộ quản lý bảo vệ rừng đơn vị không thể cứ đi mãi cả quãng đường hàng trăm cây số, rồi vòng qua tỉnh bạn để đến nơi giữ rừng được…

Để giải “bài toán” này, đơn vị đã mạnh dạn làm dự án “cắt” rừng để giữ rừng. Con đường mới hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường từ trụ sở chính Công ty (trung tâm xã Quảng Trực) đến khu vực suối Đắk Zên, giáp huyện Bù Đăng còn chưa đầy 30 km. Trong năm nay, khi con đường mới hoàn thành, các cán bộ quản lý bảo vệ rừng công ty chỉ mất khoảng hơn một giờ đồng hồ là có thể đi từ trụ sở đến điểm cuối khu rừng Nam Tây Nguyên, một cách thuận tiện. Việc tuần tra bảo vệ rừng thuận tiện sẽ giúp đơn vị giữ khu rừng này ngày càng ổn định hơn.

Có thể nói, đối với nhiều người, việc đến được với khu rừng này không khó, nhưng để bám trụ, giữ rừng lâu dài ở đây thì không dễ dàng gì. Dẫu rằng ai cũng biết, nếu có con đường băng rừng từ nhiều năm trước, chắc rằng những tổn thất do “lâm tặc” xâm hại rừng doanh nghiệp quản lý sẽ giảm. Tuy vậy, theo lãnh đạo Công ty Nam Tây Nguyên, trong giai đoạn hiện nay, các công ty lâm nghiệp trong tỉnh đang rất khó khăn. Những khó khăn về nguồn lực tài chính cũng là sợi dây đang “trói” nhiều đơn vị lâm nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Điểm “nóng” phá rừng trước đây, tập trung ở diện tích rừng của Công ty TNHH Kiến Trúc Mới và một phần trong tổng số hơn 23.000 ha rừng của Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Để bảo vệ được diện tích rừng này, các cán bộ của đơn vị phải đi hơn cả trăm cây số xuống huyện Bù Đăng, rồi vòng ngược lên xã Quảng Trực. Đối với các đơn vị tư nhân được tỉnh giao quản lý rừng ở khu vực này cũng không phải dễ dàng… Thực tế trong một thời gian ngắn, hàng trăm ha rừng của Công ty TNHH Kiến Trúc Mới đã bị “lâm tặc” phá sạch. Không chỉ phá rừng, “lâm tặc” còn hành hung cán bộ quản lý bảo vệ rừng, bảo kê vận chuyển gỗ, mua bán đất rừng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình yên rừng Nam Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO