Các tổ quản lý rừng cộng đồng tăng cường phòng, chống cháy rừng

Văn Tâm| 08/04/2014 10:18

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được các tổ quản lý rừng cộng đồng thôn, bon, buôn trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp tích cực, qua đó ngăn chặn được nguy cơ cháy rừng xảy ra.

ADQuảng cáo

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Krông Nô) thì hiện nay, đơn vị đã hợp đồng giao cho 282 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bon Đắk Prí, xã Nâm N’đir; bon Rung, xã Nâm Nung; buôn Choi, xã Đức Xuyên (Krông Nô) tham gia nhận khoán bảo vệ là trên 4.529 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong khu vực.

Cán bộ kiểm lâm huyện Đắk Glong tuần tra, kiểm tra rừng tại xã Quảng Khê. Ảnh: Thùy Dương

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra trong mùa khô, đơn vị đã chủ động bố trí cán bộ thường xuyên phối hợp với các tổ quản lý rừng cộng đồng của các thôn, bon, buôn tổ chức tuần tra, canh gác, thống kê toàn bộ nương rẫy của người dân đang sản xuất nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cách phát dọn, đốt theo đúng quy trình kỹ thuật.

Ngoài việc phân công cán bộ túc trực PCCCR 24/24 giờ, cán bộ kiểm lâm cùng với tổ quản lý rừng cộng đồng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các quy định về PCCCR cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Lên, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng buôn Choi, xã Đức Xuyên cho biết: “Hầu hết các hộ nhận khoán rừng của khu bảo tồn đều có ý thức cao khi làm nhiệm vụ giữ rừng cũng như tham gia cùng lực lượng chức năng tổ chức phát dọn đường băng, khoanh vùng để triển khai công tác PCCCR. Tại thời điểm này, khi người dân trong vùng bước vào thời gian phát dọn rẫy, làm đất chuẩn bị gieo trồng nên chúng tôi huy động toàn bộ nhân lực trong bon để phòng, chống cháy rừng ở các khu rừng tiếp giáp đất sản xuất của bà con”.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Trạm Kiểm lâm khu vực xã Đức Xuyên thì các bon, buôn trên địa bàn đã nhận một diện tích rừng rất lớn. Chẳng hạn bon Đắk Prí, xã Nâm N’đir, người dân nhận bảo vệ gần 1.000 ha rừng, buôn Choi, xã Đức Xuyên nhận trên 2.000 ha rừng… nên việc triển khai các giải pháp PCCCR phải tổ chức một cách quy củ thì công tác phòng, chống cháy rừng mới hiệu quả được.

ADQuảng cáo

Còn tại bon Bu Nơr A, xã Đắk R’tíh, Bu Nơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), những ngày này, các tổ quản lý rừng cộng đồng ở đây cũng tất bật hơn với công việc canh gác, tuần tra bảo vệ hơn 1.000 ha rừng. Vào những tháng cao điểm của mùa khô, 8 nhóm hộ, với hơn 100 gia đình tham gia bảo vệ rừng, hàng tuần được chia ra tổ chức đi tuần tra.

Việc triển khai công tác bảo vệ và PCCCR đã được cả cộng đồng nhất trí lập thành các điều khoản trong hương ước chung nên chuyện giữ rừng được người dân ở 2 bon tôn trọng. Do đó, không nhất thiết phải đến lượt đi tuần tra mà bất cứ khi nào, nếu ai phát hiện rừng bị phá, bị cháy thì đều có trách nhiệm ngăn chặn.

Theo ông Điểu Lanh, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr B thì sở dĩ rừng cộng đồng không bị cháy, bị chặt phá là do bà con đã toàn tâm, toàn ý và đoàn kết chặt chẽ với nhau để bảo vệ rừng. Nhờ đó, với hơn 1.000 ha rừng nhưng địa phương đã huy động có đến cả trăm hộ với khoảng 300 người tham gia bảo vệ nên các cánh rừng ở đây vẫn được bảo vệ an toàn.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì việc triển khai công tác PCCCR tại các cộng đồng, thôn, bon, buôn có nhận khoán bảo vệ rừng được thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, để triển khai triệt để, đồng bộ các biện pháp PCCCR trên toàn địa bàn tỉnh, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tiến hành tổ chức kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng cấp bách thực hiện các biện pháp bảo vệ, PCCCR.

Cụ thể, các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức họp dân, phát tờ rơi, ký cam kết, tuyên truyền qua loa, đài truyền thanh, tu sửa, làm mới các bảng quy ước bảo vệ rừng.

Nếu phát hiện cháy thì các cộng đồng, đơn vị liên quan phải thực hiện tốt phương án tác chiến theo phương châm "4 tại chỗ" gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Đồng thời, các đơn vị chỉ đạo chủ rừng xây dựng và sửa chữa các công trình PCCCR, thực hiện các biện pháp làm giảm vật liệu cháy, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tổ quản lý rừng cộng đồng tăng cường phòng, chống cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO