Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Hiệu quả kép về bảo vệ rừng và mở rộng an sinh xã hội

Hưng Nguyên| 27/04/2019 17:27

Ban quản lý Rừng phòng hộ Gia Nghĩa được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ 11.150 ha, trong đó diện tích đất có rừng 3.213 ha, đất chưa có rừng là 7.940 ha, trải dài trên địa giới hành chính nhiều xã của huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

ADQuảng cáo

Hiện Ban quản lý có gần 3.000 ha rừng thuộc cả 2 lưu vực sông Đồng Nai và Sêrêpốk được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Mỗi năm, số tiền chi trả DVMTR khoảng gần 1 tỷ đồng là nguồn kinh phí hoạt động của Ban. Do Ban quản lý thuộc diện quản lý rừng không được khai thác nên không được hưởng kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải tạm dừng khai thác với mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ha/năm).

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho hay, Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ rừng nên không có nguồn thu từ rừng.  Nguồn kinh phí hoạt động chính của đơn vị là từ tiền chi trả DVMTR. Kinh phí đã giúp cho Ban hoạt động và thực hiện các chế độ, chính sách cho các cán bộ, nhân viên bảo đảm số lượng và tham gia hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Dù không nằm trong lưu vực sông nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Đắk Mil) được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trích quỹ DVMTR chi trả tiền hỗ trợ 200 ngàn đồng/ha

Tương tự,  Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, trụ sở tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đang quản lý, bảo vệ gần 24.000 ha rừng. Trong đó, khoảng hơn 20.000 ha diện tích được chi trả DVMTR. Tổng số tiền DVMTR hằng năm công ty nhận được khoảng 13,6 tỷ đồng. Ngoài được hưởng chính sách chi trả DVMTR cho diện tích rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai, công ty còn được hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ là 200.000 đồng/ha/năm.

Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho hay, từ khi đóng cửa rừng, nguồn kinh phí hoạt động của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào tiền hỗ trợ của nhà nước và tiền chi trả DVMTR. Nguồn kinh phí đã góp phần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm cho các cán bộ, nhân viên của công ty trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn thu nhập được nâng lên giúp cho cán bộ giữ rừng nâng cao trách nhiệm và gắn bó với nghề rừng.  Nhờ nguồn kinh phí này, công ty đã tiến hành giao khoán rừng và đất rừng cho 2 nhóm cộng đồng với diện tích trên 700 ha. Bên cạnh đó, công ty có điều kiện và kinh phí để thuê nhân công quản lý, bảo vệ rừng và  thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong các dịp cao điểm.

ADQuảng cáo

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Sở Nông nghiệp & PTNT), hiện nay, đơn vị đang quyết toán tiền chi trả DVMTR năm 2018. Đây là năm đầu thực hiện thu theo đơn giá mới, do vậy nguồn thu DVMTR từ các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch tăng đáng kể. Tổng số tiền chi trả DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh thu được năm 2018 là hơn 120,2 tỷ đồng, đạt 128,9% kế hoạch năm. Tổng số tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng trong năm là 77,9 tỷ đồng. Trong đó, chi tạm ứng tiền chi trả DVMTR cho các đối tượng chủ rừng năm 2018 hơn 60 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch năm.

Năm 2019, tổng số tiền chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch dự kiến thu khoảng 102 tỷ đồng. Tiền chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh được chi trả theo 2 hệ thống lưu vực sông chính là sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk với diện tích cung ứng DVMTR 161.831 ha, kinh phí chi trả khoảng 86,8 tỷ đồng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả DVMTR cho các hộ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng bon Rung, xã Nâm Nung (Krông Nô)

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Hằng năm, trên cơ sở số tiền thu được từ bên sử dụng DVMTR, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng sẽ tiến hành cho các đơn vị tạm ứng khoảng 80% số tiền mà đơn vị giữ rừng được chi trả trong năm. Năm 2018, có 2 đơn vị là Công ty Đại Thành và Công ty Đắk Wer nằm ngoài lưu vực sông được hưởng tiền DVMTR, Quỹ đã cân đối nguồn thu để hỗ trợ 200 ngàn đồng/ha. Cũng bắt đầu từ năm 2018, các đơn vị đến tạm ứng tiền không phải cung cấp số liệu, ký cam kết mà Quỹ sẽ căn cứ vào diện tích được tỉnh giao và số liệu Quỹ thu thập để cho tạm ứng cho phù hợp.

Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp, giúp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với tài nguyên rừng, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, tạo an sinh xã hội. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã  nâng số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng, huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng thường xuyên.

Hiện nay, tiền DVMTR được chi trả cho 23 chủ rừng là tổ chức nhà nước, 39 chủ rừng là các đơn vị nhà nước cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, 59 đối tượng được nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, 11 cộng đồng thôn, bon và hàng trăm hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Hiệu quả kép về bảo vệ rừng và mở rộng an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO