Chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 63.000 ha đất rừng

Hà An| 19/03/2014 10:00

Trên cơ sở rà soát, phân loại diện tích đất rừng, cuối năm 2013, tỉnh đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi 63.000 ha đất có nguồn gốc từ đất rừng sang đất nông nghiệp, đất trồng rừng sản xuất, rừng kinh doanh.

ADQuảng cáo

Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Nông nghiệp - PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn để địa phương thực hiện các bước để chuyển đổi mục đích sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho tổ chức, cá nhân. Đây là cơ sở để toàn tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý đất đai hiện nay; tạo điều kiện cho những hộ dân có đất sản xuất ổn định thuộc diện chuyển đổi an tâm phát triển kinh tế.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường thì 63.000 ha đất nằm trong chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng lần này chủ yếu là đất có nguồn gốc từ đất phá rừng trước thời điểm 1/1/2004 và đã, đang được người dân canh tác ổn định. Do một số quy định, chế tài quản lý về đất đai nên diện tích đất nêu trên không thể chuyển đổi mục đích sử dụng, gây khó khăn về công tác quy hoạch, quản lý đất. Vì thế, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, Luật Đất đai sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2014 và tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường đã xây dựng đề án chuyển đổi mục đích đối với 63.000 ha đất rừng sang đất nông nghiệp, đất trồng rừng sản xuất, rừng kinh doanh.

ADQuảng cáo

Trên thực tế, trong kết quả điều tra, công bố số liệu 3 loại rừng của tỉnh vào cuối năm 2013, tỉnh cũng đã đưa ra khỏi quy hoạch rừng, đất rừng đối với diện tích đất nêu trên. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích đất này đã nằm trong diện được đo đạc, giải thửa nên các bước tiến hành rà soát, cấp GCNQSDĐ không đến nỗi phức tạp. Tuy nhiên, để phân loại đất nhằm xác định mục đích sử dụng sau khi chuyển đổi như đất nông nghiệp, đất trồng rừng kinh doanh, rừng sản xuất hoặc cho thuê, bảo vệ rừng (đối với những diện tích rừng dạng da báo nhỏ lẻ) thì các ngành chức năng cần phải có sự nghiên cứu, tính toán hợp lý trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất của tỉnh và của các địa phương. Vì vậy, đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã xây đựng xong dự thảo đề án chuyển đổi và đang thực hiện các bước như tổ chức hội thảo chuyên môn để lấy ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo đầu ngành về lĩnh vực này cũng như tiến hành tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo các địa phương, nhất là những địa phương có diện tích đất nằm trong diện chuyển đổi thuộc đề án lớn như Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk Song để hoàn chỉnh và triển khai thực hiện.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thì ngoài việc xác định tình hình thực tiễn từng địa phương về hiện trạng đất, quy hoạch sử dụng đất… thì đề án cũng sẽ bám sát Luật Đất đai sửa đổi để xác định hạn mức, hạn điền trong phương án cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, cá nhân. Với tiến độ này, kế hoạch cấp giấy chứng nhận sẽ được tiến hành ngay sau khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành để đề án chuyển đổi sớm hoàn thành, đi vào thực tiễn. Điều quan trọng nhất mà những người tham gia xây dựng đề án lưu tâm vẫn là làm sao để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng, quản lý đất đai nói chung trong thời gian tới. Vì thế, song song với việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất này, các đơn vị, địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, nghị quyết của HĐND tỉnh về giá các loại rừng và xử lý nghiêm cũng như có giải pháp cụ thể đối với các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng phát sinh. Có như thế, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 63.000ha đất rừng lần này mới thực sự là bước ngoặt căn bản, góp phần tạo tiền đề cho công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 63.000 ha đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO