Cộng đồng bon R’Bút chung sức bảo vệ rừng

Đức Hùng| 06/09/2016 10:04

Năm 2013, 335 ha diện tích rừng tại tiểu khu 1649 được cơ quan chức năng giao cho cộng đồng bon R’Bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) quản lý, bảo vệ. Sau một thời gian triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ rừng, tạo nguồn lợi cho người dân.

ADQuảng cáo

Trên chiếc xe win “dã chiến”, chúng tôi theo chân các thành viên tổ bảo vệ đi tuần rừng, được tận mắt chứng kiến những khu rừng bạt ngàn nguyên vẹn đã phần nào hình dung được thành quả sau nhiều năm dầm mưa, ngủ rừng của những người tham gia bảo vệ rừng. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng bon R’Bút gồm 15 người.

Khu rừng xanh tốt của cộng đồng bon R'Bút

Ông Y Đoan, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng bon R’Bút cho biết: Tổ bảo vệ rừng được thành lập từ năm 2013, các thành viên trong tổ thay phiên nhau đi tuần tra rừng. Nhờ đó, rừng được bảo vệ tốt, tình trạng phá rừng trái phép đã giảm. Không chỉ thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, Tổ còn tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, không đốt nương, làm rẫy gây cháy rừng. Ngoài việc bảo vệ diện tích rừng do UBND xã giao, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng bon R’Bút còn tiến hành trồng lại diện tích rừng bị lấn chiếm. Đến nay, Tổ đã trồng lại được 2 ha rừng. Mô hình bảo vệ rừng ở cộng đồng bon R’Bút đã đi vào cộng đồng, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.

Ông Y Đoan cho biết thêm: “Chúng tôi luôn tuyên truyền cho bà con hiểu rõ trách nhiệm bảo vệ rừng và việc hưởng lợi từ rừng sau này. Nhờ đó,  người dân đã nhận thức được giá trị lợi ích của rừng mang lại, ý thức bảo vệ rừng được nâng cao, người dân không phát rừng làm nương rẫy nữa. Việc bảo vệ rừng đã được đưa vào hương ước, quy ước của bon”.

Từ chuyển biến về nhận thức, người dân trong bon không những chấp hành nghiêm pháp luật bảo vệ rừng, mà còn tích cực tham gia bảo vệ rừng. Có lần khoảng 5 sào diện tích rừng bị người dân nơi khác đến phát dọn để làm rẫy, Tổ đã đến tuyên truyền để hộ gia đình đó dừng hoạt động lấn chiếm. Sau đó, Tổ đã trồng lại rừng trên diện tích người dân lấn chiếm.

ADQuảng cáo

Từ bon R’Bút vào đến chốt khoảng 25 km, đường đi lại khá khó khăn, dốc, nhiều ổ gà, ổ voi nếu gặp mưa vào buổi chiều thì việc chạy xe máy trên đoạn đường này gần như là không thể. Để khắc phục khó khăn về đường đi lại, có chỗ trú mưa, tránh nắng, ngủ qua đêm mỗi khi đi tuần rừng, đầu năm nay, Tổ đã xây dựng một chốt trong rừng với trị giá 50 triệu đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Y Tẽh, thành viên Tổ bảo vệ rừng của bon R’Bút, hồ hởi cho biết: “Tham gia vào dự án rừng cộng đồng, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Vì vậy, khi có đối tượng lạ mặt khả nghi vào địa bàn đều được người dân phát hiện và báo cáo kịp thời với lực lượng chức năng. Nhờ vậy, số vụ chặt phá rừng bừa bãi được kịp thời phát hiện, xử lý”.

Ở cái tuổi 51, nhưng ông Y Siêng vẫn băng băng đi tuần tra, kiểm tra diện tích đất rừng. Cùng với các hoạt động thiết thực của tổ bảo vệ, thấy được những lợi ích từ rừng, ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng có những chuyển biến rõ nét. Người dân bắt đầu hưởng lợi từ việc khai thác một số loại lâm sản theo quy định.

Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Tôi đã trực tiếp vào tiểu khu rừng cộng đồng bon R’Bút để kiểm tra, thấy việc bảo vệ rừng ở đây rất tốt. Tổ đã làm chốt và luôn có người trực 24/24 giờ trong rừng. Đây là mô hình tốt nên nhân rộng nhưng vấn đề là tùy  theo từng cộng đồng”.

Trước thực trạng rừng ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng như hiện nay thì việc tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ rừng luôn là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng sẽ là giải pháp để khôi phục và bảo vệ rừng bền vững. Một khi lợi ích mà rừng mang lại đến tận tay người dân, tới cộng đồng dân cư, bon làng với tư cách như một chủ rừng thì sẽ hạn chế được tình trạng phá rừng trái phép.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng bon R’Bút chung sức bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO