Công tác phòng, chống cháy rừng: "Chống" vẫn còn hạn chế

Hà An| 18/12/2014 09:52

Phòng, chống cháy rừng là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng không chỉ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà còn góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, tài sản quốc gia và nhân dân. Với phương châm “4 tại chỗ”, những năm qua, công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác này hiện mới chỉ chủ yếu “phòng” là chính, còn việc “chống” lại đang khá bị động trong huy động nguồn lực khi có cháy rừng xảy ra.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã thẩm định xong phương án PCCR mùa khô năm 2014-2015 của các đơn vị chủ rừng (phần lớn là các công ty, ban quản lý, bảo vệ rừng công lập).

Lực lượng kiểm lâm tỉnh tổ chức diễn tập PCCR

Bên cạnh đó, đối với chủ rừng ngoài công lập đang triển khai phương án PCCR 5 năm, đơn vị cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, bố trí nguồn lực để triển khai nghiêm túc các danh mục theo phương án đã phê duyệt. Qua rà soát cũng như trên cơ sở phương án của các đơn vị, mùa khô năm 2014-2015, địa bàn toàn tỉnh xác định có khoảng 33.630 ha diện tích rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đã đưa vào phương án phòng, chống cháy rừng như đốt dọn thực bì, giảm vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa, thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy của người dân… Trên cơ sở đó, tùy vào điều kiện thực tiễn, các đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch, triển khai các đợt cao điểm về tuyên truyền, bố trí nhân lực, vật lực, lập phương án và tổ chức các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để PCCR một cách thiết thực, hiệu quả.

Để chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” (là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), ngoài việc tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể, người dân và đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thị xã tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn và bổ sung lực lượng trực tiếp và gián tiếp cho các ban PCCR; thành lập các tổ, đội phòng, chống cháy rừng xung kích tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã rà soát, tu bổ và xây dựng mới các biển báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; quy định cụ thể các khu vực nghiêm cấm đốt nương rẫy và hành vi dùng lửa khác ở những khu vực có nguy cơ cháy rừng theo quy định.

Qua phương án đã được phê duyệt của các đơn vị cho thấy, nguồn kinh phí bố trí cho các danh mục trong phương án PCCR chủ yếu dành cho công tác phòng như tuyên truyền, vận động, thực hiện các phương án giảm vật liệu cháy…

ADQuảng cáo

Trong khi đó, kinh phí bố trí để trang bị các dụng cụ dập lửa, hóa chất chống cháy, phục vụ hậu cần khi phát sinh cháy rừng là rất ít. Nguyên nhân theo các đơn vị chủ rừng (chủ yếu là các công ty, ban quản lý, bảo vệ rừng công lập) thì đây là thực trạng chung của các đơn vị do khó khăn trong cân đối tài chính hiện nay.

Qua 24 đơn vị đã được Chi cục Kiểm lâm phê duyệt phương án PCCR mùa khô năm 2014-2015, bình quân kinh phí bố trí cho công tác này tại mỗi đơn vị chỉ hơn 60 triệu đồng mỗi năm, chỉ bằng khoảng 1/3 yêu cầu kinh phí thực tế. Số kinh phí này chỉ đủ phục vụ cho việc tổ chức tuyên truyền, in ấn tài liệu, tờ rơi, bản cam kết và thực hiện một số danh mục khác. Điều này đã dẫn đến thực trạng là hầu hết các phương tiện, công cụ chống cháy rừng tối thiểu như bình xịt hóa chất, vĩ dập lửa, máy bơm lưu động… tại các đơn vị chủ rừng rất ít được trang bị, nếu có thì số lượng khá khiêm tốn.

Trong khi đó, qua thực tế công tác chống cháy rừng thời gian qua cho thấy, khi xảy ra cháy rừng, đa phần lực lượng được huy động chủ yếu dùng các phương tiện thô sơ tự có như cành cây, nước, cuốc xẻng để dập lửa, hạn chế đám cháy, còn các phương tiện chữa cháy chuyên dụng rất ít. Điều này đã làm giảm công năng, hiệu quả dập lửa dẫn đến hậu quả tiêu cực do cháy rừng cao.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định khi xảy ra cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm có quyền trưng dụng, huy động máy móc phục vụ công tác phòng, chống cháy rừng nhưng thực tế việc huy động này cũng khá khó khăn vì nhiều nguyên nhân như địa bàn xảy ra vụ cháy xa so với phương tiện hiện có; nhiều đối tượng chưa thực sự hợp tác nên từ chối bằng nhiều hình thức, lý do…

Cũng vì thiếu kinh phí nên nếu xảy ra cháy rừng, địa phương, đơn vị chủ rừng thường rơi vào thế bị động trong công tác hậu cần dẫn đến tính kịp thời, quyết liệt trong triển khai phương án còn thấp. Chưa kể đến, một số doanh nghiệp tư nhân có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chỉ mới quan tâm đến lợi nhuận mà chưa thực sự xem trọng công tác này nên kinh phí bố trí để mua sắm dụng cụ, trang thiết bị PCCR rất ít.

Từ đây cho thấy, để công tác PCCR một cách hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, ngoài việc tăng cường công tác phòng cháy, các đơn vị, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chủ động nguồn lực chống cháy một cách hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng, chống cháy rừng: "Chống" vẫn còn hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO