Giải pháp nhiều, nhưng thiếu đồng bộ và kiên quyết

Đức Hùng| 10/05/2018 10:01

Trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về số vụ vi phạm và diện tích thiệt hại, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp hạn chế, khắc phục tình trạng này.

ADQuảng cáo

Phá rừng vẫn chưa “hạ nhiệt”

Qua báo cáo của các địa phương đều thể hiện tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn biến phức tạp, tăng cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại. Đơn cử, tại huyện Đắk Glong, năm 2017 và 4 tháng năm 2018, mặc dù địa phương đã triển khai các giải pháp phòng, chống phá rừng song tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật vẫn không hề "hạ nhiệt". Năm 2017, trên địa bàn huyện phát hiện 350 vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích thiệt hại 215 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện xảy ra 129 vụ phá rừng, gây thiệt hại 61 ha.

Theo ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, diện tích rừng trên địa bàn có nhiều biến động. Nhiều diện tích rừng bị phá nhưng các chủ rừng không báo cáo. Hầu hết các vụ phá rừng, khi chủ rừng báo cáo về huyện và các cơ quan chức năng của huyện đều không rõ đối tượng vi phạm nên khi chuyển sang cơ quan điều tra thì rất khó xử lý. Hơn thế, các đối tượng phá rừng ngày càng có những hành động tinh vi, gây khó khăn cho các chủ rừng, địa phương trong việc lập biên bản, xử lý. Phần lớn các “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn huyện với diện tích lớn tập trung tại lâm phận các công ty lâm nghiệp. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Đắk Glong) để xảy ra 39 vụ, gây thiệt hại hơn 21 ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng để xảy ra 12 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 6 ha...

Tương tự, tại huyện Đắk Song, năm 2017, trên địa bàn huyện phát hiện 106 vụ phá rừng gây thiệt hại 33 ha và 4 tháng đầu năm 2018 xảy ra 46 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 10 ha. Diện tích rừng bị phá tập trung ở các đơn vị như Công ty TNHH MTV Đắk N’Tao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Hòa (Đắk Song)...

Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh phát hiện 368 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, riêng phá rừng trái pháp luật xảy ra 213 vụ, gây thiệt hại 81 ha rừng. So với cùng kỳ 2017, mặc dù số vụ phá rừng phát hiện giảm 25 vụ song diện tích rừng thiệt hại 4 tháng đầu năm nay lại tăng 1,3 ha. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh tại cuộc họp bàn biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh ngày 26/4/2018: Chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trên địa bàn, bảo đảm tất cả các vụ phá rừng được cơ quan chức năng khác chuyển hồ sơ đến phải được sớm và nghiêm túc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không xác định được đối tượng phá rừng, cần cương quyết xử lý đối với tất cả các đối tượng thực hiện sang nhượng, sử dụng đất có nguồn gốc từ việc phá rừng bất hợp pháp. Đối với diện tích rừng hiện còn, cần tập trung bảo vệ nghiêm ngặt, chủ động bố trí lực lượng tuần tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác mua bán lâm sản trái phép nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi hủy hoại rừng.

ADQuảng cáo

Triệt tiêu mục đích phá rừng

Tại cuộc họp bàn về giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng được UBND tỉnh tổ chức mới đây, ngoài việc nêu thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, các địa phương và ngành chức năng liên quan đã tập trung phân tích nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng phá rừng trong thời gian tới.

Tình trạng phá rừng do một số nguyên nhân trọng tâm như: Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nằm rải rác, xen kẽ với đất sản xuất nông nghiệp nên khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, giá đất nông nghiệp cao dẫn tới người dân phá rừng để mở rộng diện tích canh tác hoặc mua bán. Áp lực dân số, đặc biệt tình hình dân di cư tự do diễn biến phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Theo ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì chúng ta cần đánh giá đúng mức vấn đề lấn chiếm, mua bán, sang nhượng và đầu cơ đất rừng. Những hành vi này là vi phạm pháp luật, cần được quan tâm, có phương án xử lý dứt điểm. Cán bộ quản lý bảo vệ rừng của các Công ty Lâm nghiệp, đơn vị chủ rừng biết rõ cây rừng nằm ở đâu, chỗ nào dân lấn chiếm, phá rừng của đối tượng nào nhưng vì sao khi báo cáo vi phạm phá rừng hầu như chưa phát hiện được đối tượng?.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguyên nhân xuyên suốt và bao quát vẫn chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các lực lượng chức năng, chủ rừng lơ là, buông lỏng quản lý dẫn đến bảo vệ rừng kém hiệu quả trên diện tích rừng được giao. Công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi các mô hình quản lý, việc chậm bàn giao diện tích rừng, đất rừng cũng dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra phức tạp. Đây cũng là vấn đề đặt ra lâu nay, bởi chúng ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhưng việc tổ chức thực hiện không đạt kết quả như mong muốn.

Trên cơ sở trao đổi, thảo luận, cuộc họp đã đưa ra một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển và ngăn chặn phá rừng trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm triệt tiêu các động cơ, mục đích phá rừng như: quản lý tốt dân cư tại địa phương, không để tình trạng dân di cư tự do ở nơi khác đến phá rừng lấy đất sinh sống, sản xuất; kiện toàn Ban quản lý lâm nghiệp xã thành một tổ chức liên ngành có sự tham gia của đầy đủ các đơn vị liên quan và có sự điều chỉnh số lượng cán bộ phù hợp với quy mô diện tích rừng được giao quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Khi phát hiện các hành vi phá rừng, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo các quy định của pháp luật; trong đó, chủ rừng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên nếu để xảy ra tình trạng phá rừng trên diện tích mình quản lý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nhiều, nhưng thiếu đồng bộ và kiên quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO