Gian nan nghề giữ rừng - trải lòng người trong cuộc

Nguyễn Ngọc Bình| 27/11/2021 18:02

Tính tới nay, tôi đã tròn 5 năm vào nghề giữ rừng. Dù quãng đường chưa dài, nhưng cũng đủ để rút ra được nhiều điều, nhiều bài học quý báu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, xin mạn phép được trải lòng đôi chút với nghề.

ADQuảng cáo

Giải quyết áp lực từ bên ngoài

Những ngày cuối năm 2017, tôi được UBND tỉnh phân công về đảm nhiệm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Khi mới “chân ướt, chân ráo” đến nhận công tác, tôi được anh em báo cáo có hiện tượng phá rừng, khai thác gỗ lậu, tranh giành bãi gỗ trên lâm phần của đơn vị.

Tôi liền chỉ đạo thành lập Đội công tác đặc biệt để theo dõi, nắm bắt thông tin vụ việc. Một mặt tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Sở NN-PTNT cho phép Công ty để nguyên hiện trường để mật phục, bắt các đối tượng khai thác gỗ trên địa bàn.

Đội công tác đặc biệt tiến hành mật phục tại các địa điểm phá rừng gần hai tuần, nhưng không phát hiện động tĩnh gì. Trong khi lãnh đạo Sở NN-PTNT liên tục gọi điện hỏi xem tình hình, khiến tôi rất lo lắng.

Bước sang tuần thứ 3, những kẻ phá rừng bắt đầu lộ diện. Gần 23 giờ đêm, 6 đối tượng phá rừng xuất hiện tại hiện trường và bị Đội công tác đặc biệt bắt giữ. Các đối tượng này được xác định khai thác lâm sản trái phép của Công ty.

Sau đó, Công ty đã bàn giao 6 đối tượng này cho Công an huyện Tuy Đức xử lý. Kết quả, 6 đối tượng này bị cơ quan chức năng khởi tố, xử phạt mỗi người 6 tháng tù giam vì hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Hoạt động tuần tra rừng được thực hiện thường xuyên tại Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Ảnh Đức Hùng)

Sau vụ này, Công ty rà soát lại các khâu quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, chúng tôi quyết định đặt thêm một trạm bảo vệ rừng tại ngã ba Đồi Thông - nơi được xem là “yết hầu” để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lậu. Thế nhưng, vào hôm khởi công xây dựng trạm, một số kẻ xấu đã kích động người dân ra ngăn cản.

Thậm chí, một số kẻ quá khích đã đưa đồ đạc tại trạm bảo vệ rừng về UBND xã Quảng Trực để gây sức ép, yêu cầu Công ty không được đặt trạm tại đây. Tôi cùng anh em trong Công ty phải đến UBND xã Quảng Trực đối thoại với hơn 150 người dân. Dù đối diện với áp lục kinh khủng, nhưng sau đó, hầu hết người dân đã nhận thức được sự việc và ra về.

Tôi còn nhớ, đồng chí Điểu Long, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, đã khoác vai tôi và nói mấy câu: “Em thấy thế nào ? Có thấy làm việc trực tiếp với dân sướng không ? Biết thế nào là cơ sở nhé !”.

Rồi điểm nóng tại tiểu khu 1500, 1504 lại bùng phát. 69 hộ dân ở hai bon Bù Nga, Đắk Á, thuộc huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đòi về quê cũ là 2 tiểu khu này. Họ tự ý phát dọn, đóng lán trại trong rừng. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã phải vào cuộc họp bàn xử lý.

Phía Công ty cũng đưa ra rất nhiều phương án giải quyết sự việc, nhưng rất khó khả thi. Cuối cùng, phương án đưa ra là Công ty liên kết với bà con trồng lại rừng và không được phá rừng. Nhờ phương án này, giờ đây khu vực tiểu khu 1500, 1504 rừng đã được trồng lại, người dân không còn phá rừng.

Đầu năm 2019, tình hình phá rừng lại căng thẳng. 49 hộ dân bên Bù Gia Mập lại tụ tập về tiểu khu 1487 với yêu sách đòi tái lập bon cũ. Cuối tháng 4/2019, Công ty đã thuyết phục được người dân từ bỏ ý định tái lập bon cũ. Đồng thời Công ty thuê các hộ dân này cùng tham gia bảo vệ rừng. Nhờ phương án này, đến nay, tiểu khu 1487 đã ổn định trở lại.

Có thể nói, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn rất nhiều khó khăn không thể kể hết. Hầu hết các khó khăn này đều gắn liền với sinh mệnh của từng cánh rừng. Do đó, muốn hay không muốn, người đứng đầu phải đứng ra xử lý, giải quyết mới có thể giữ rừng một cách tốt nhất.

ADQuảng cáo

Phút nghỉ ngơi, trao đổi công việc của lực lượng bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Ảnh Đức Hùng)

Xử lý những thách thức nội tại

Ngành lâm nghiệp tỉnh nhà trong những năm qua trải qua những cuộc đại phẫu. Nhiều giám đốc, phó giám đốc một số công ty lâm nghiệp lần lượt bị xử lý vì liên quan đến mất rừng, đất rừng. Các công ty lâm nghiệp cũng được tỉnh tiến hành sắp xếp, đổi mới…

Riêng đối với Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thời điểm tôi mới về nhận công tác, tâm lý nhiều người đang xuống thấp, làm việc rạo rễ, còn bộ máy thì cồng kềnh, hoạt động theo cơ chế cũ. Một số người sắp đến tuổi nghỉ hưu, nên không còn hăng say. Cả Công ty như một cỗ xe chậm chạp, già nua, không còn muốn lăn bánh. Thời điểm đó, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để đưa Công ty trở lại hoạt động hiệu quả.

Sau khi họp Đảng bộ Công ty, tôi nhận thấy, việc đầu tiên là xây dựng các quy chế bảo đảm các công việc phải được rõ ràng, phải có người làm, có người chịu trách nhiệm. Việc tiếp theo là sắp xếp tổ chức, tinh gọn lại bộ máy; xây dựng quy chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với chi trả tiền lương thỏa đáng.

Công ty cũng cần bố trí, xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm nơi ăn, chốn ở cho các trạm quản lý bảo vệ rừng; quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần người lao động nhiều hơn. Việc xây dựng kế hoạch sản xuất ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cũng như công tác lãnh đạo… phải được làm lại một cách căn cơ.

Nhờ những cách làm mới, suy nghĩ mới và quyết tâm đổi mới, chỉ sau ít năm, tình hình khó khăn của Công ty cơ bản được khắc phục. Đến nay, người lao động đã yên tâm, hăng say làm việc. Điều quan trọng nhất, Công ty đã ngày càng làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không còn để xảy ra tình trạng phá rừng tràn lan như trước.

Những cánh rừng thuộc lâm phần Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang được bảo vệ tốt (Ảnh Đức Hùng)

Huy động thêm các nguồn lực

Bên cạnh những nỗ lực của Công ty, chúng tôi cũng nhận thức rằng, các đơn vị chủ rừng sẽ chẳng làm được gì nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để một công ty lâm nghiệp hoạt động tốt, phải cần thêm sự vào cuộc của cơ quan chức năng để xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Ngày đầu mới về đơn vị, khi tôi báo cáo các vụ phá rừng lên UBND huyện Tuy Đức thì được một vị lãnh đạo huyện khi đó nói rằng “báo cáo làm khổ huyện”. Câu nói này khiến tôi rất chạnh lòng. Thế nhưng, thực tế là như vậy, vì những tồn tại, yếu kém của Công ty lâu nay.

Trước khi tôi về Công ty, bao nhiêu vụ việc cần các cơ quan chức năng xử lý thì hầu như dậm chân tại chỗ. Người dân vi phạm pháp luật bảo vệ rừng thì nhởn nhơ. Tôi nhận thấy rằng, nếu không có sự phối hợp thì rất khó xử lý các vướng mắc, tồn tại này. Do đó, tôi đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng liền kề để bàn bạc, trao đổi, xây dựng các quy chế phối hợp.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã ký được quy chế phối hợp với Công an huyện Tuy Đức, Công an xã Quảng Trực, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, Đồn Biên phòng số 10, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thác Mơ, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Thông qua quy chế phối hợp, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng đã tốt hơn hẳn. Định kỳ tuần, các đơn vị đều phối hợp tuần tra quản lý bảo vệ rừng. Các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng hơn, ăn ý hơn trong mọi công việc liên qua, qua đó tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm hẳn. Ý thức bảo vệ rừng của người dân sống gần rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhân “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11”, xin chúc các anh, các chị, các đồng nghiệp trong ngành Lâm nghiệp luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt, vượt qua được những khó khăn, thách thức để tiếp tục “giữ vàng” cho mai sau..

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan nghề giữ rừng - trải lòng người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO