Giữ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học

Đức Hùng| 03/09/2021 08:47

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, nhiều loài có tên trong "Sách đỏ" Việt Nam và thế giới. Những năm qua, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

ADQuảng cáo

Khu BTTN Nam Nung rộng 23.300 ha, thuộc địa giới hành chính 10 xã thuộc các huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song. Đây là một trong những vùng rất phong phú, đa dạng về tài nguyên rừng, hệ sinh thái, thành phần loài động vật, thực vật và các nguồn gen.

Một góc Khu BTTN Nam Nung

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Khu bảo tồn có khoảng 881 loài thực vật, trong đó có 75 loài quý hiếm có trong "Sách đỏ" Việt Nam và thế giới như: cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sồi ba cạnh...

Về động vật ở đây có hơn 58 loài thú, trong đó 24 loài có tên trong "Sách đỏ" đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo tồn như: voi, bò tót, voọc chà vá chân đen, vượn đen, cầy mực, bò rừng...  Ngoài ra, ở đây còn có 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát…

Nhiều khu vực rừng thuộc Khu BTTN Nam Nung tiếp giáp với nơi sản xuất, khu vực người dân sinh sống, đối mặt với các sức ép lớn về nguy cơ bị xâm hại cao.

Khu BTTN Nam Nung là nơi sinh sống của nhiều loại động vật quý hiếm

Theo lãnh đạo Khu BTTN Nam Nung, nhiều hộ dân sống ven rừng có đời sống khó khăn, thu nhập thấp, hiểu biết về pháp luật và các kiến thức về đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên còn hạn chế.

Do đó, nhiều người đã tác động đến nguồn tài nguyên rừng, các loại động vật quý hiếm có trong rừng. Các đe dọa do các tác động về kinh tế - xã hội của cộng đồng đối với tài nguyên rừng thường xuyên diễn ra.

ADQuảng cáo

Nhằm hạn chế các tiêu cực này, những năm qua, Ban Quản lý Khu BTTN đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản cho người dân.

Đơn vị đã thực hiện đầy đủ các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng để tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân. Từ đó, góp phần tránh tác động tới rừng.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung có 64 cán bộ, viên chức thực hiện quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, nhiệm vụ chính là ngăn chặn các đối tượng xâm hại rừng, săn bắt động vật hoang dã.

Lực lượng chức năng Khu BTTN Nam Nung tổ chức tuần tra rừng. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngoài lực lượng chuyên trách, đơn vị đã giao khoán hơn 3.000 ha rừng cho các hộ dân sống ven bìa rừng quản lý, bảo vệ. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng hệ động thực vật trong rừng.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu BTTN Nam Nung luôn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Trong các đợt tuần tra rừng, cán bộ, nhân viên trong đơn vị luôn thực hiện công tác gỡ bẫy, ngăn chặn các đối tượng vào rừng săn bắn thú rừng.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Nam Nung cho biết, giữ rừng cũng là giữ môi trường sống cho các loại động, thực vật, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Do đó, đơn vị luôn quán triệt tinh thần này cho cán bộ, nhân viên. "Chúng tôi sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm để giữ được diện tích rừng hiện có, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái rừng một cách hiệu quả", ông Mạnh chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO