Hiệu quả trong công tác trồng rừng chưa cao

Hà An| 13/08/2014 08:50

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, để phát triển rừng, bên cạnh trồng mới rừng hàng năm, hiện Nhà nước cũng đã có chủ trương trồng rừng thay thế nhằm khắc phục hậu quả do để mất rừng. Tuy nhiên, công tác trồng rừng thời gian qua diễn ra còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao.

ADQuảng cáo

Điển hình như thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, giai đoạn 2005-2010, toàn tỉnh đã giao kế hoạch trồng mới 7.900 ha rừng. Kết thúc giai đoạn  này, tổng diện tích rừng đã trồng, được nghiệm thu quyết toán từ các dự án nằm trong chương trình cũng chỉ được 4.768 ha, đạt 60,2% kế hoạch.

Không chỉ không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra về diện tích trồng mới rừng theo dự án, quá trình thực hiện, vì nhiều nguyên nhân mà các đơn vị trồng rừng còn để xảy ra tình trạng mất rừng trồng mới với diện tích tương đối lớn, gây lãng phí kinh phí đầu tư của Nhà nước.

Cụ thể như trong dự án trồng và chăm sóc rừng phòng hộ theo Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, toàn tỉnh đã để mất 62,26 ha, thiệt hại số vốn đầu tư trên 321 triệu đồng. Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán, các đơn vị chủ rừng đã để mất 1.223 ha (chiếm trên 56% diện tích đã nghiệm thu) với giá trị vốn đầu tư thiệt hại ước tính 2,4 tỷ đồng.

Đối với Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 do các hạt kiểm lâm làm chủ đầu tư thì toàn tỉnh có 127 ha diện tích rừng trồng không đạt yêu cầu vì tỷ lệ cây chết vượt quá quy định; 27,2 ha rừng trồng đã mất, với giá trị vốn đầu tư ước tính 524 triệu đồng. Đối với Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, toàn tỉnh cũng đã để mất hơn 25 ha, với số tiền thiệt hại trên 283 triệu đồng.  

Ngoài kế hoạch trồng mới, theo quy định, các đơn vị, địa phương để mất rừng thì phải trồng bù rừng thay thế. Tuy nhiên, xem ra tiến độ này thời gian qua thực hiện chưa được là bao. Trong năm 2014, toàn tỉnh có tất cả 13 đơn vị tham gia chương trình trồng rừng thay thế với tổng diện tích dự kiến khoảng 2.246 ha.

ADQuảng cáo

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao 1.581 ha cho chủ các dự án thủy điện để tiến hành trồng rừng. Thế nhưng quá trình triển khai lại gặp khó khăn vì đa phần diện tích nằm trong kế hoạch trồng lại rừng đã và đang bị người dân lấn chiếm, sử dụng.

Chưa kể đến, theo số liệu điều tra, công bố 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh năm 2013, toàn tỉnh hiện có 319.513 ha rừng, đất rừng, trong đó đất có rừng là 263.837 ha, còn 55.676 ha đất không có rừng được đưa vào kế hoạch trồng rừng trong thời gian tới. Diện tích trên phần lớn là do các doanh nghiệp, địa phương được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng đã để người dân chặt phá, lấn chiếm.

Điều đáng nói là mặc dù số doanh nghiệp, địa phương để mất rừng thời gian qua là khá lớn nhưng việc khắc phục hậu quả thì đến nay chưa được là bao. Điển hình như thời gian qua, tỉnh đã có 13 dự án bị thu hồi do để mất rừng với diện tích lớn hoặc triển khai không hiệu quả, trong đó 8 dự án thu hồi toàn bộ và 5 dự án thu hồi một phần với diện tích rừng, đất rừng là 9.026 ha.

Trong khi đó, hiện UBND tỉnh mới ra quyết định xử phạt hành chính đối với 4 chủ dự án với số tiền trên 1 tỷ đồng và cũng mới chỉ có 2 đơn vị thực hiện trồng lại rừng với diện tích gần 2 ha. Cũng theo Sở Nông nghiệp-PTNT, tỉnh hiện đang tiếp tục rà soát và dự kiến sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý thu hồi 10 dự án nông-lâm nghiệp với diện tích 1.020 ha rừng, đất rừng, số tiền phạt hơn 80 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được đầu tư trồng lại rừng trên diện tích rừng đã bị mất.

Một thực tế là mặc dù vấn đề rà soát, xác định diện tích rừng để mất đối với các đơn vị, địa phương để xử lý trách nhiệm là không khó nhưng cái khó là khắc phục hậu quả bằng việc trồng rừng thay thế theo chỉ đạo của Chính phủ. Bởi vì, hầu hết các diện tích rừng, đất rừng mà các đơn vị để mất hiện nay đều đã bị người dân lấn chiếm, canh tác.

Để trồng lại rừng, Nhà nước lại phải tổ chức giải tỏa, thu hồi nên sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Chưa kể đến, sau khi đã trồng rừng, công tác bảo vệ diện tích này cũng cần phải được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, nếu không sẽ tiếp tục để xảy ra tình trạng người dân tái phá, lấn chiếm rừng trồng như thời gian qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả trong công tác trồng rừng chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO