Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Đức Hùng| 11/10/2016 10:50

Qua hơn 5 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những tác động tích cực, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực.

ADQuảng cáo

Chỉ tính riêng trong năm 2015, diện tích rừng được hưởng từ chính sách chi trả DVMTR của tỉnh là hơn 172.000 ha, chiếm 67% diện tích rừng của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức và thu nhập cho các chủ rừng, cũng như người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Các chủ rừng đã chủ động, tích cực tuần tra bảo vệ rừng, còn người dân được giao khoán rừng đã có ý thức hơn, chủ động tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao quản lý.

Chi trả DVMTR thu hút thêm nhiều người tham gia bảo vệ  rừng

Từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đây được thực hiện tốt hơn. Nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng thu hút được sự tham gia của người dân.

Nếu như năm 2011 khi chưa triển khai chính sách chi trả DVMTR, các tổ nhận giao khoán tham gia vào công tác tuần tra, kiểm soát rừng được 823 lượt người thì đến năm 2015, hoạt động này đã thu hút được 6.157 lượt người tham gia. Thông qua đó, đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác rừng trái phép. Công tác phòng cháy, chữa cháy được thực hiện tốt, không để xảy ra vụ cháy nào.

ADQuảng cáo

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: “Qua nguồn kinh phí chi trả DVMTR, đơn vị đã ký giao khoán cho gần 200 hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, từ đó rừng được bảo vệ tốt hơn, cụ thể từ đầu năm 2015 đến nay không xảy ra vụ phá rừng nào. Bên cạnh đó, kinh phí đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ nhận khoán, nhận thức của người dân được nâng lên".

Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã đề ra những hoạt động thiết thực, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng hàng đầu. Công ty đã thành lập 5 trạm quản lý, bảo vệ rừng và 1 đội cơ động quản lý, bảo vệ rừng, các trạm nằm phân bố trên toàn bộ lâm phận của công ty.

Các đơn vị thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trang bị thêm phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, đồng thời ký 300 biên bản với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cam kết không phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Số vụ phá rừng trái phép giảm đáng kể hằng năm. Nếu năm 2011, số vụ vi phạm là 9 vụ, năm 2012 giảm xuống còn 7 vụ thì đến năm 2015 giảm xuống còn 2 vụ.

Trong điều kiện hiện nay, nguồn tiền DVMTR đã góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước đầu tư bảo vệ phát triển rừng. Nguồn thu từ DVMTR trở thành nguồn thu nhập quan trọng của các công ty lâm nghiệp, bù đắp một phần kinh phí thiếu hụt cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí bố trí cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh là 225 tỷ đồng, trong đó có từ 167 tỷ đồng từ DVMTR.

Hiện bình quân mỗi năm kinh phí DVMTR đóng góp cho công tác bảo vệ và phát triển rừng hơn 40 tỷ đồng, được chi trả cho 30 chủ rừng là các tổ chức nhà nước, 27 chủ rừng tổ chức nhà nước được thuê đất, 10 chủ rừng là cộng đồng dân cư và 1.052 hộ gia đình nhận khoán. Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, toàn tỉnh đã chi trả cho hơn 1.050 hộ gia đình với số tiền 35 tỷ đồng. Tổng mức thu nhập hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán rừng là 45 đến 80 triệu đồng/hộ/năm.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO