Hình thành "kinh tế rừng" ở Quảng Phú

Đức Hùng| 19/11/2020 08:18

Nhiều người dân ở xã Quảng Phú (Krông Nô) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rừng. Đến nay, trên địa bàn xã Quảng Phú đã bắt đầu hình thành các mô hình "kinh tế rừng".

ADQuảng cáo

Sau nhiều năm trồng cà phê kém hiệu quả, năm 2020, anh Phạm Văn Long, ở thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú (Krông Nô) đã quyết định chuyển đổi 2 ha đất đồi dốc sang trồng rừng. Trước khi chuyển đổi cây trồng, anh Long đã đi tìm hiểu về các loại cây rừng có giá trị kinh tế, cho thu nhập cao để mua giống về trồng.

Để tạo thêm nguồn thu nhập, một người dân Quảng Phú đã trồng xen chuối trong khu rừng cây da lợn mới trồng

Trên 2 ha đất, anh Long trồng 2.200 cây da lợn. Loại cây này được ngành chức năng địa phương đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Chi phí đầu tư cho 2 ha cây da lợn trồng thuần mà gia đình anh bỏ ra vào khoảng 25 triệu đồng, bao gồm tiền cây giống, công cán, phân bón...

Theo anh Long, thời gian đầu, trồng rừng tốn khá nhiều công, nhưng khi cây phát triển được 1 năm, chi phí đầu tư sẽ giảm dần.  Hiện nay, gia đình anh đã tranh thủ trồng xen cây ngắn ngày trong khu rừng da lợn để có thêm nguồn thu nhập hằng năm.

Tương tự, trên 2 ha đất bạc màu, ông Nguyễn Tiến Hảo, ở thôn Phú Xuân, xã Quảng Phú, cũng đã trồng 4.000 cây keo lai, 500 cây da lợn, 1.000 cây gáo vàng. Trước đó, diện tích đất này được ông Hảo trồng cây ngắn ngày, nhưng không đạt hiệu quả kinh tế.

Ông Hảo cho biết, cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, nên gia đình quyết định chuyển đổi sang trồng rừng. Trước khi trồng rừng, gia đình ông đã đi tìm hiểu các loại cây rừng cho giá trị kinh tế cao trên thị trường, các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Gia đình ông đã trực tiếp liên hệ các vườn giống uy tín để được cung cấp giống cây chất lượng tốt nhất. "Hiện nay tôi đã xuống giống được 3 tháng, cây rừng đã cao được từ 1,5m trở lên", ông Hảo chia sẻ.

ADQuảng cáo

Theo tính toán của người dân, trồng rừng chỉ tốn nhiều chi phí ở thời điểm xuống giống và trong 2 năm đầu chăm sóc. Những năm tiếp theo, công chăm sóc ít, chi phí đầu tư gần như bằng không.

Chính vì thế, trồng rừng sẽ mang lại nguồn thu nhập và hiệu quả kinh tế ổn định lâu dài cho người sản xuất. Đặc biệt, trồng rừng sản xuất còn góp phần bảo vệ môi trường, đất đai, làm tăng độ che phủ rừng ở địa phương.

Hiện nay, cây da lợn đang được nhiều người dân Quảng Phú lựa chọn để trồng rừng vì mang nhiều ưu điểm như: dễ trồng, tỉ lệ sống cao, tốn ít công chăm sóc, phát triển nhanh, có thể khai thác gỗ từ năm thứ 6, Trong khi giá gỗ trên thị trường đang cao...

Năm 2020, toàn xã Quảng Phú trồng mới được khoảng 150 ha rừng, chủ yếu trồng thuần loài. Phần lớn diện tích rừng này đều được người dân chuyển đổi từ đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Các loại cây rừng được người dân trồng chủ yếu là cây da lợn, sưa, sao, keo lai…

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, sau nhiều năm canh tác, người dân đã có sự so sánh và tính toán về hiệu quả kinh tế giữa việc trồng cây nông nghiệp và trồng rừng. Với những diện tích đất đồi dốc, bạc màu, việc sản xuất nông nghiệp thường đạt hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vì chi phí sản xuất, công cán bỏ ra nhiều, nước tưới khan hiếm...

Do đó, cùng với sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, người dân đã bắt đầu chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi dốc, bạc màu, không phù hợp với sản xuất nông nghiệp sang trồng rừng. "Đây là một sự thay đổi lớn trong việc phát triển rừng của người dân, góp phần nâng diện tích rừng trên địa bàn, mở ra hướng phát triển "kinh tế rừng" tại địa phương", ông Hùng chia sẻ.

Xã Quảng Phú cũng xác định, phát triển "kinh tế rừng" có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tăng hiệu quả quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển quỹ đất của địa phương.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi sang trồng rừng tại những nơi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Những trường hợp sản xuất rừng tốt, hiệu quả, địa phương sẽ tổ chức khen thưởng, động viên và kiến nghị cấp trên có sự hỗ trợ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành "kinh tế rừng" ở Quảng Phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO