Kết hợp nông lâm để tăng độ che phủ rừng

Đức Hùng| 03/11/2020 09:40

Ngành Nông nghiệp tỉnh đang xây dựng Dự án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025” trên diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Mục tiêu của Dự án là bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững 246.984 ha rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có; chăm sóc, quản lý, bảo vệ tốt 4.215 ha rừng trồng chưa thành rừng.

ADQuảng cáo

Tỉnh Đắk Nông có 650.927 ha đất tự nhiên, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 293.315 ha, đất có rừng 246.984 ha, đất chưa có rừng 81.308 ha. Hiện nay, có khoảng 67.400 ha đất lâm nghiệp có nguồn gốc do phá rừng đang bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất là ở địa bàn các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức…

Cây mắc ca vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần  tăng độ che phủ rừng

Việc thu hồi, giải tỏa diện tích đất bị lấn chiếm để trồng lại rừng thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhằm khôi phục rừng trên diện tích đất lâm nghiệp này, tỉnh Đắk Nông đã triển khai giải pháp trồng nhiều loại cây nông lâm kết hợp. Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, giải pháp nông lâm kết hợp được chú trọng, vì phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, hiện trạng đất rừng của địa phương hiện nay. Phát triển nông lâm kết hợp là để khai thác tiềm năng lợi thế, giải quyết sinh kế cho người dân song song với vấn đề môi trường.

ADQuảng cáo

Ông Dần cho biết thêm: "Phần lớn diện tích rừng bị lấn chiếm, người dân đã sinh sống và canh tác lâu năm. Nếu chỉ yêu cầu trồng rừng thì khó thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Do đó, chúng ta phải lồng ghép, vừa trồng rừng, vừa tạo kế sinh nhai thì người dân mới ủng hộ. Tỉnh Đắk Nông đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận các loại cây như bơ, mít, sầu riêng, măng cụt... là cây đa mục đích, phục vụ việc phát triển mô hình nông lâm kết hợp. Nếu được công nhận, tỉnh sẽ có thêm giải pháp để phát triển rừng".

Trên địa bàn tỉnh đang có một số mô hình nông lâm kết hợp với các loại cây đa mục đích như mắc ca, cao su, điều, dổi… Các mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa mang lại giá trị về môi trường. Đây cũng là "lời giải" cho bài toán đất rừng bị lấn chiếm và tăng độ che phủ rừng.

Hiện nay, một số nơi đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung khai thác từ rừng trồng như Đắk Glong, Krông Nô. Thế nhưng, các vùng nguyên liệu gỗ này lại đang thiếu đầu ra. Do đó, tỉnh cần chú trọng kêu gọi đầu tư hạ tầng, nhà máy chế biến gỗ để tạo đầu ra, nâng cao giá trị trên 1 ha rừng trồng. Có như vậy, mới tạo được phong trào trồng rừng, phát triển lâm nghiệp tại các địa phương.

Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng tỷ lệ che phủ lên đến 40%. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng 38,5% (tăng 3.867 ha rừng so với năm 2019) và tỷ lệ che phủ cây phân tán, nông lâm
kết hợp 1,5%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết hợp nông lâm để tăng độ che phủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO