Lợi ích từ phát triển kinh tế rừng

Đức Hùng| 24/01/2022 09:20

Nhiều người dân ở Đắk Glong đã chọn cách trồng rừng để phát triển kinh tế. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhiều diện tích rừng trồng đều phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

ADQuảng cáo

Làm giàu từ trồng rừng

Cách đây hơn 10 năm, gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên từ Bắc Ninh vào thôn 7, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) lập nghiệp. Có được số vốn mang từ quê vào, anh Tuyên mua đất để canh tác, bắt đầu cuộc sống mới.

Cũng như bao gia đình khác tại địa phương, anh Tuyên chọn cây cà phê làm cây trồng chủ lực. Quá trình lập nghiệp anh vừa sản xuất, vừa tìm cách mở rộng diện tích.

Sau một thời gian, anh bán rẫy cà phê và đất mặt tiền với giá cao để mua đất rừng nhằm tăng diện tích sản xuất. Sau hơn 10 năm lập nghiệp, tích lũy, đến nay anh Tuyên đã mua và thuê được hơn 230 ha đất.

Cùng với việc mở rộng diện tích, anh Tuyên chọn đầu tư trồng rừng làm nguồn thu nhập chính của gia đình. Theo anh Tuyên, nếu tính toán về hiệu quả kinh tế, trồng rừng mang lại mức thu nhập khá ổn.

Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ha rừng mang lại cho gia đình anh nguồn thu khoảng 10 triệu đồng/năm. So với những cây trồng khác, nguồn thu nhập này không phải lớn nhưng tương đối ổn định.

Vườn keo lai của anh Tuyên chuẩn bị cho thu hoạch

Đặc thù của cây rừng chỉ tốn chi phí và công chăm sóc 2 năm đầu, còn các năm tiếp theo đều không đáng kể. Năm 2021, anh Tuyên khai thác và bán hơn 140 ha rừng keo, thu về khoảng 10 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, anh thu về khoản lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.

Theo anh Tuyên, trồng rừng ít rủi ro hơn các loại cây trồng khác. Chi phí ban đầu cho 1 ha rừng vào khoảng 20 triệu đồng và chỉ mất tầm 2 năm công. Với việc sở hữu diện tích rừng lớn, anh Tuyên còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Còn ông Võ Văn Hiếu, dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn gắn bó với trồng rừng. Cách đây 3 năm, ông Hiếu từ Bình Phước mang hơn 7 tỷ đồng qua Đắk Glong mua, thuê gần 70 ha đất để trồng rừng.

Ông Hiếu trồng khoảng 55 ha keo lai. Ngoài ra, ông còn trồng các loại gỗ khác như tếch, da lợn. Ông còn trồng nhiều diện tích cây nông nghiệp dài ngày như điều, bơ, sầu riêng, cà phê... để tạo nguồn thu nhập hằng năm.

Ông Hiếu chia sẻ: "Tôi vừa bán được 5 ha keo, với giá 500 triệu đồng. Giá này thực sự quá ổn và là nguồn động lực cho người trồng rừng. Hiện nay tôi có 25 ha rừng keo đến tuổi thu hoạch, đang được chào bán với giá khoảng 80 triệu đồng/ha. Tính ra tôi thu về khoảng 2 tỷ đồng".

Ông Hiếu chọn kinh tế rừng để phát triển, tạo thu nhập cao ổn định

Ông Hiếu từng làm lâm nghiệp, nên hiểu rất rõ về lĩnh vực này. Do đó, ông chọn Đắk Glong để lập nghiệp, gắn bó với phát triển kinh tế rừng. Ngoài tạo nguồn thu nhập "khủng" cho gia đình, ông còn tạo việc làm cho khoảng 10 - 20 công lao động địa phương.

ADQuảng cáo

Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng cho biết, đặc thù của xã có nhiều đồi, dốc, không phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, đặc thù này lại rất tiềm năng để phát triển kinh tế rừng.

Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư trồng rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã vươn lên, phát triển kinh tế từ cây rừng.

Ngoài các công ty trồng rừng tại địa phương, hiện nay có rất nhiều hộ dân chọn trồng rừng để tạo nguồn thu nhập. Đây là cách làm vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất và phát triển rừng.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm người dân, doanh nghiệp lấy trồng rừng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành lĩnh vực phát triển "kinh tế rừng".

Phát triển vùng nguyên liệu gỗ

Nghị quyết Tỉnh ủy Ðắk Nông về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững đặt mục tiêu: Ðến năm 2025, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 40%; đến năm 2030 tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Ðể đạt mục tiêu này, ngành chức năng cần tập trung nguồn lực quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có (hơn 196.000 ha), giảm thiểu đến mức thấp nhất các hành vi xâm hại rừng.

Cùng với đó, đến năm 2025, diện tích rừng tăng so với đầu nhiệm kỳ tối thiểu 13.000 ha. Trong đó, phấn đấu tối thiểu 5.000 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng được phục hồi, tái sinh rừng.

Đắk Glong là địa bàn có tỷ lệ rừng trồng đã thành rừng lớn nhất tỉnh Đắk Nông

Tỉnh ủy đặt ra giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, kết hợp làm giàu rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Trong đó, chú trọng phát triển dược liệu, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế người dân.

Toàn tỉnh sẽ trồng mới khoảng 8.000 ha rừng tập trung có giá trị kinh tế cao; trồng rừng nguyên liệu, phát triển rừng bền vững bằng phương thức nông lâm kết hợp; trồng rừng phân tán; chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp bền vững bằng các loại cây đa mục đích, cây công nghiệp có tán che lớn như cây rừng...

Qua thực tế cho thấy, các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp đang tạo nguồn thu cho nhiều hộ dân, tạo việc làm cho nhiều lao động, nâng cao ý thức cộng đồng trong trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Việc phát triển kinh tế rừng trên cơ sở hình thành các vùng nguyên liệu gỗ sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế rừng bền vững hơn cho các hộ dân. Những vùng rừng trồng trở thành những vành đai bảo vệ an toàn cho rừng tự nhiên. Kinh tế rừng sẽ góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống, đồi trọc ở Đắk Nông.

Tuy nhiên, để có đầu ra ổn định cho sản phẩm lâm nghiệp, tỉnh cần khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến lâm sản. Việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm lâm sản cũng cần được quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích từ phát triển kinh tế rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO