"Mạnh tay hơn" với những đơn vị, cá nhân để mất rừng

Trần Lê| 18/10/2017 11:03

Thực hiện Quyết định số 44/201/ QĐ - UBND, ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đã bị xử lý kỷ luật do để mất rừng. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã khi để mất rừng vẫn chưa thực sự đáp ứng đúng kỳ vọng, yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao kỷ cương, kỷ luật về quản lý, bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích rừng tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) bị chặt phá nghiêm trọng. Ảnh: B.M

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, trên cơ sở kết luận điều tra, thanh, kiểm tra của cơ quan chuyên môn, đơn vị đã xử lý 3 vụ việc liên quan đến trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng thuộc thẩm quyền với tổng số công chức, viên chức bị kỷ luật là 15 người.

Cụ thể, trước đó, tháng 3/2017, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp - PTNT) chủ trì phối hợp với UBND huyện Đắk Glong, kiểm lâm địa phương và các xã phát hiện 83,3 ha rừng bị phá thuộc 16 điểm. Liên quan đến trách nhiệm để mất rừng, Sở tiến hành cách chức 2 người, cảnh cáo 3 người và khiển trách 2 người thuộc lực lượng kiểm lâm phụ trách khu vực xã Quảng Sơn, Đắk R’măng (Đắk Glong).

ADQuảng cáo

Tại địa bàn huyện Đắk Song, căn cứ kết quả xác minh diện tích phá rừng trái phép trên địa bàn trong thời gian cuối năm 2016, đầu năm 2017 cũng như kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng, Sở Nông Nghiệp - PTNT đã thực hiện cách chức 1 cán bộ, cảnh cáo 2 người và khiển trách 1 người do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra mất rừng.

Riêng địa bàn huyện Tuy Đức, thời gian cuối năm 2016, đầu năm 2017 đã phát hiện 52 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 15 ha. Hiện Sở đang phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan để có hướng xử lý thích đáng.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng các huyện vẫn còn tâm lý “nương tay” đối với cán bộ, viên chức, nhất là ở cấp xã trong việc thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương xem xét lại hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với một số trường hợp cán bộ đã bị kỷ luật liên quan đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa thỏa đáng, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, thời gian tới, ngoài việc nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị, địa phương cũng cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội với những cán bộ vi phạm để tạo sự răn đe, tuyên truyền, giáo dục; kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ thiếu đạo đức, trách nhiệm, để xảy ra thiệt hại về rừng, đất rừng theo đúng quy định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mạnh tay hơn" với những đơn vị, cá nhân để mất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO