Mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng đang gặp nhiều thách thức

28/08/2017 11:05

Từ những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nên diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang dần bị thu hẹp. Vì vậy, việc nâng cao độ che phủ rừng theo tinh thần của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp và các địa phương.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích đất rừng không được các chủ rừng khoanh nuôi hoặc trồng lại rừng mà đang bị người dân chiếm dụng biến thành đất sản xuất. Ảnh: Phan Tuấn

Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Theo thống kê, tổng nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh là trên 370 tỷ đồng, bao gồm vốn trung ương cấp, vốn địa phương và các nguồn vốn khác. Trong đó, giai đoạn từ 2004-2010, toàn tỉnh được cấp trên 32,4 tỷ đồng; giai đoạn 2011 đến nay là trên 256 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được cấp, riêng trong giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã trồng được 7.721 ha/9.346 ha rừng, đạt 82,6% kế hoạch đề ra. Nhưng thực tế cho thấy, dù nguồn vốn đầu tư lớn, diện tích trồng rừng đạt cao, nhưng hiệu quả xem ra lại thấp.

Điển hình, đối với chương trình trồng rừng thay thế, toàn tỉnh đã triển khai trồng được trên 1.814 ha/4.653 ha. Suất đầu tư đối với trồng rừng thay thế được tính bình quân trên 90 triệu/ha. Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho thấy, hiệu quả và chất lượng trồng rừng đạt rất thấp, cây phát triển chậm, cây chết còn chiếm tỷ lệ cao, rừng trồng manh mún, đa số diện tích rừng chưa được nghiệm thu do chưa đủ điều kiện.

Đối với rừng trồng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 có mức đầu tư trên 79 triệu đồng/ha. Diện tích thiết kế, trồng và chăm sóc từ năm 2004 đến nay là 54 ha, nhưng hiện chỉ còn lại 9 ha; trong đó chỉ có khoảng 3 ha là có khả năng có thể thành rừng được nghiệm thu.

Đối với chương trình trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của Chính phủ, toàn tỉnh đã trồng được trên 2.078 ha/2.430 ha, đạt 85% kế hoạch, nhưng diện tích đạt yêu cầu chỉ có 869 ha, chiếm 41%. Diện tích bị chặt phá, lấn chiếm và không đạt yêu cầu chiếm đến 56%.

Riêng Dự án trồng rừng Flich, từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 9.442 ha, do 4 doanh nghiệp và 5.159 hộ trồng. Thế nhưng, qua kiểm tra, ngoài một số diện tích nhỏ đã khai thác, phần lớn diện tích không đạt yêu cầu, bị lấn chiếm và chuyển đổi sang cây trồng khác.

Tỷ lệ độ che phủ rừng giảm dần

Các chương trình triển khai trong nhiều năm, nhưng tỷ lệ độ che phủ rừng không được nâng lên mà còn giảm theo từng năm. Nếu năm 2006, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh là 55,5% thì đến nay chỉ còn 38,8%. Như vậy, trong vòng 10 năm, độ che phủ rừng đã giảm đến 16,7%. Ngoài do buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng thì những bất cập trong công tác trồng rừng cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm độ che phủ của rừng.

ADQuảng cáo

Qua kiểm tra thực địa, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến diện tích trồng rừng ở các địa phương không đạt và mất chủ yếu là do các chủ rừng buông lỏng công tác quản lý. Hầu hết các đơn vị đều chưa có giải pháp hữu hiệu để thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích rừng được giao. Công tác rà soát, thiết kế trồng rừng chưa sát với thực tế. Nhiều diện tích thiết kế trồng rừng trên vùng đất màu mỡ, phù hợp với phát triển hoa màu và cây công nghiệp. Vì vậy, các hộ dân thường phá và “chuyển đổi” diện tích rừng trồng sang sản xuất cây công nghiệp có giá trị cao hơn như Dự án Flich ở Đắk Glong. Vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương từ huyện đến xã còn lu mờ. Các ban chỉ đạo cấp huyện được thành lập nhưng không hoạt động, chưa làm tốt chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương đối với công tác quản lý, phát triển rừng mà chủ yếu là phó mặc cho hạt kiểm lâm, các công ty, cá nhân.

Rừng vẫn bị “rút ruột”

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình phá rừng, vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng diễn ra rất nghiêm trọng. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 298 vụ phá rừng, chủ yếu ở các huyện Đắk Song, Đắk Glong và Krông Nô. So với cùng kỳ năm trước, số vụ phá rừng tăng trên 52%, diện tích rừng bị thiệt hại trên 192 ha, tăng 150,4% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo nhận định của UBND tỉnh, công tác bảo vệ rừng ở cấp cơ sở còn yếu, có dấu hiệu bao che, móc ngoặc của cán bộ cơ quan chức năng. Trên các địa bàn phát hiện một số băng nhóm tội phạm phá rừng theo kiểu xã hội đen. Tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng chưa được giải quyết dứt điểm. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn 5.147 hộ, 14.819 khẩu đang lấn chiếm 10.508 ha đất rừng.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh và trước cử tri, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Lê Trọng Yên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến số lượng và diện tích rừng bị phá tăng lên trong những tháng đầu năm là do trong thời gian sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, cán bộ buông lỏng quản lý. Trước đây, diện tích rừng bị phá chưa thống kê hết do chủ rừng sợ trách nhiệm nên giấu. Khi nhân sự thay đổi, lãnh đạo mới của các công ty lâm nghiệp đã tiến hành rà soát lại diện tích bị chặt phá. Vì vậy, trong tổng diện tích rừng bị phá năm 2017 có đến 100 ha được thống kê vào diện tích bị mất của năm 2016.

Với sự vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng đã được đưa ra xử lý. Điển hình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện và xử lý trên 28 vụ, với trên 58 đối tượng hủy hoại rừng; phát hiện trên 5 vụ với 7 đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và trên 31 vụ, với 28 đối tượng vận chuyển gỗ trái phép… Cùng với đó, tỉnh cũng đã xử lý các hành vi cấu kết, móc ngoặc của cán bộ, cơ quan chức năng để mất rừng như điều chuyển, xử lý trên 34 lượt cán bộ, công chức vi phạm…

Phải vừa trồng vừa chống

Theo thống kê, năm 2017, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh chỉ đạt 38,8%. Như vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết HĐND tỉnh là phấn đấu độ che phủ rừng đạt 42%, nghĩa là phải tăng thêm 4,33%. Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, nếu bây giờ thực hiện trồng rừng thì cũng phải mất 4-5 năm mới thành rừng được. Vì vậy, để hạn chế tối đa việc giảm tỷ lệ độ che phủ, chúng ta phải vừa trồng vừa chống. Nghĩa là, ngoài việc đẩy mạnh trồng rừng, tính thêm diện tích các loại cây trong danh mục Bộ Nông nghiệp - PTNT cho phép vào độ che phủ, ngành chức năng cần có giải pháp căn cơ hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có.

Từ thực tế giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo kiểm tra, thanh tra đối với các chương trình, dự án trồng rừng, xử lý nghiêm đối với các đơn vị, chủ đầu tư các dự án thiếu trách nhiệm trong việc quản lý rừng, gây lãng phí nguồn ngân sách trong thời gian qua. UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết hơn nữa đối với những địa phương, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng để đất rừng bị lấn chiếm, mua bán, sang nhượng, xây dựng nhà cửa, lều lán trái phép. Các địa phương vào cuộc điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng theo kế hoạch, các cấp ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai các biện pháp trồng rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Hiện tại, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo rất quyết liệt, với quyết tâm một trong vài năm tới phải lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh đã nhờ sự trợ giúp và vào cuộc của Bộ Công an để tấn công mạnh mẽ đối với các loại tội phạm liên quan đến vi phạm phá rừng. Tỉnh cũng đang rà soát lại một lần nữa những tổ chức, cá nhân sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Một số cán bộ vi phạm hiện nay đã xử lý và một số đang và sẽ tiếp tục xử lý, chứ không phải dừng lại ở việc đánh giá tình hình, tìm hiểu nguyên nhân là xong.

Theo công bố hiện trạng rừng của tỉnh năm 2016, tỷ lệ che phủ chỉ đạt 38,8%, nghĩa là giảm 8.131 ha rừng tự nhiên so với năm 2015 và giảm 10.706 ha rừng tự nhiên so với năm 2014. Trong khi đó, tỉnh đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2017 là 40,5% (tương đương phải tăng 11.000 ha rừng có tán) và đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42%, (tương đương phải tăng 20.800 ha rừng có tán). Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại của công tác trồng rừng cũng như quản lý, bảo vệ rừng, những mục tiêu trên là rất khó đạt được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng đang gặp nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO