Nan giải xử lý “bài toán” lấn chiếm đất lâm nghiệp

Lê Quang Dần| 03/09/2020 08:12

Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp diễn ra phổ biến trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Ở Đắk Nông, tình trạng này tồn tại nhiều năm qua và tỉnh đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, xử lý, nhưng thực tế "bài toán" này vẫn còn rất nan giải.

ADQuảng cáo

Thực trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, Đắk Nông đang có 67.400 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều tại các huyện Đắk Glong, Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Song. Diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm chủ yếu được sử dụng để trồng các loài cây công nghiệp và nông nghiệp như sắn, cà phê, hồ tiêu…

Lực lượng chức năng thị xã Gia Nghĩa chặt bỏ vườn ổi trồng do người dân lấn chiếm đất rừng trồng từ năm 2018. Ảnh tư liệu

Đối tượng lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp đa số là dân di cư tự do, người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và một số đối tượng khác. Trong đó, dân di cư tự do không những canh tác mà còn sinh sống trên đất lâm nghiệp. Còn một bộ phận người dân tộc thiểu số tại chỗ có xu hướng sang nhượng lại những diện tích đất lâm nghiệp đã canh tác ổn định.

Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra trên quy mô lớn, trong thời gian dài, liên quan đến việc thực thi, chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, đất đai, dân cư, hộ tịch, hộ khẩu. Vấn đề này đã để lại nhiều hệ lụy xấu trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh trật tự. Nó cũng tiềm ẩn bất ổn về an ninh nông thôn. Đặc biệt, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thường nằm xen kẽ, sát ngay diện tích rừng tự nhiên. Do đó, các đối tượng vi phạm, lấn chiếm đất tiếp tục âm thầm mở rộng quy mô bằng việc phá rừng.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhiều, một phần là do công tác quy hoạch lâm nghiệp chưa tốt. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác nông nghiệp, nhưng các chủ rừng và chính quyền địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do tăng dân số cơ học và yếu kém trong công tác quản lý đất đai.

Sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp hiệu quả thấp

ADQuảng cáo

Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được sử dụng thiếu tính bền vững, chưa hiệu quả. Đơn cử như việc trồng sắn chỉ mang lại thu nhập bình quân (toàn vùng Tây Nguyên) 33,3 triệu/ha/năm; cà phê 50,2 triệu/ha/năm; hồ tiêu 50,3 triệu/ha/năm… Về mặt kinh tế, hiệu quả như vậy là thấp so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được chuyển đổi, ổn định.

Vấn đề lớn nhất đối với thực trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là sự mâu thuẫn giữa người sử dụng đất với các đơn vị được giao đất. Về lý thuyết, đa phần diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã “có chủ”. Điều này dẫn đến tình trạng những tổ chức được giao, cho thuê đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không thể quản lý, sử dụng đất.

Ngược lại, những người trực tiếp sản xuất, sử dụng đất lại không có các quyền pháp lý đối với diện tích đất đang canh tác. Do là đất lấn chiếm, nên những người sử dụng đất thực tế khó có thể đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, gây hại cho môi trường, tiềm ẩn các mối xung đột.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp một cách căn cơ, thấu đáo, không để xảy ra các “điểm nóng”, bảo đảm quy hoạch và đặc biệt là không hợp thức hóa những diện tích đất có nguồn gốc từ phá rừng là không dễ. Bởi vì nó liên quan đến an ninh trật tự, sinh kế của người dân.

Do đó, muốn giải quyết vấn đề này, trước hết phải hướng tới việc tạo ra sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp bền vững với bảo vệ và phát triển rừng. Các ngành chức năng thông qua các quyết định ứng xử của cộng đồng sinh sống ở trong rừng và ven rừng nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đất thực sự với người lấn chiếm đất. Việc xử lý hậu quả lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng cần bảo đảm sự hài hòa giữa sinh kế của người dân với việc bảo vệ rừng…

Thời gian gần đây, tỉnh Đắk Nông đã chủ động xây dựng phương án để giải quyết vấn đề lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều nội dung bị “chạm trần” pháp luật, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù mới giải quyết được. Do đó, việc giải “bài toàn” lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn tiếp tục gặp thế khó, nên cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, các ngành.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải xử lý “bài toán” lấn chiếm đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO