Phá rừng diễn biến phức tạp làm nóng nghị trường

Nguyễn Hiền| 15/07/2020 09:04

Nhóm chỉ tiêu về môi trường là 1 trong 3 nhóm không đạt kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm 2020 do chỉ tiêu thành phần về độ che phủ rừng và trồng rừng mới tập trung đạt thấp. Một trong những nguyên nhân sâu xa được đánh giá là do tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Vẫn diễn biến phức tạp

Tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp thực sự không mới nhưng vẫn "nóng" tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa III mới đây khi được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn ngành chức năng. 

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm hơn trong thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, mục tiêu của ngành là giữ cho được diện tích rừng tự nhiên hiện có nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp.

Cái "phức tạp" như ông Anh dẫn chứng là trong 6 tháng đầu năm 2020, các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử lý 479 vụ vi phạm lâm nghiệp; trong đó, phá rừng trái phép lên đến 264 vụ, gây thiệt hại 64,6 ha rừng, tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng bị phá tập trung nhiều ở huyện Đắk Glong: 148 vụ với 37 ha và huyện Đắk Song: 88 vụ với 20 ha. Các chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng nhiều nhất là Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa (Đắk Song) với 56 vụ; Công ty TNHH Đắk N’Tao (Đắk Glong): 55 vụ; HTX thương mại Hợp Tiến và Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn mỗi đơn vị: 39 vụ. 

Nguyên nhân và giải pháp... quen thuộc

Ông Anh giải trình: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng nghiêm trọng chủ yếu vẫn là do các chủ rừng, chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Mô hình của các công ty lâm nghiệp hiện nay không phù hợp vì chức năng chính là quản lý, bảo vệ rừng nhưng lực lượng mỏng, chức năng không đáp ứng được việc bảo vệ rừng. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay rất khó khăn. Với tổng số 200.000 ha rừng nhưng hiện nay lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng ở các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp chỉ có khoảng 400 người. Bình quân một người phải bảo vệ 500 ha, trong khi đó thu nhập của lực lượng kiểm lâm rất là thấp”.

Ông Anh cũng lý giải thêm một số nguyên nhân khác như các đơn vị có kinh phí hạn hẹp, dân di cư tự do xâm canh đất lâm nghiệp nhiều nhưng chính quyền địa phương, các chủ rừng không phát hiện và xử lý kịp thời nên diện tích ngày càng lớn hơn. Điển hình như ở lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa quản lý có trên 2.000 hộ dân lấn chiếm trên 6.000 ha đất lâm nghiệp; ở lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đắk N’Tao có trên 200 hộ dân lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Trong khi đó, công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm, không đủ sức răn đe. Việc quản lý diện tích đất lâm nghiệp sau khi phá rừng chưa chặt chẽ nên người dân vẫn quay lại tái chiếm đất xâm canh. Đơn vị chủ quản thì gần như bất lực. 

ADQuảng cáo

Ông Anh đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục như tăng cường lực lượng kiểm lâm cho địa bàn phức tạp như các huyện Đắk Glong và Đắk Song; phối hợp với các lực lượng ở huyện, nhất là công an xã để hỗ trợ các chủ rừng; triển khai nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra mất rừng.

Toàn ngành tập trung rà soát, thống kê lại toàn bộ thực trạng sản xuất trên đất lâm nghiệp để xác định rõ đối tượng, nguồn gốc đất đai, từ đó có hình thức xử lý phù hợp; tổ chức sắp xếp lại đất lâm nghiệp hiệu quả hơn, theo hướng sáp nhập các công ty kém hiệu quả, hoạt động mất phương hướng vào các đơn vị quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn…

Phải xử lý tận gốc

Tại phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đặt vấn đề: Tại sao lại xảy ra phá rừng nhiều? Những người phá rừng nhiều không phải là người không biết pháp luật mà chính là người rất hiểu pháp luật. Nhưng vì lợi ích, vì mục đích, có thể vì động cơ cá nhân nên người ta phá rừng.

Tỉnh Đắk Nông nhiều năm qua đấu tranh quyết liệt và từng bước ngăn chặn được tình trạng phá rừng. Bây giờ không còn những vụ phá rừng trên mấy chục hécta nữa. Mặc dù số lượng vụ vi phạm lớn nhưng diện tích nhỏ, chứng tỏ người dân rất am hiểu pháp luật, nếu phá trên 5 sào thì bị xử lý hình sự nên chỉ phá vài trăm mét vuông.

Riêng về những công ty lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả, để phá rừng nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề nghị: Không vì quản lý rừng không được mà đưa doanh nghiệp về đơn vị sự nghiệp để hưởng ngân sách Nhà nước, cách làm này chưa phải là đúng đắn. Vì vậy, Sở Nông nghiệp-PTNT cùng với một số sở khác bàn các phương án, giải pháp để làm đúng pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng.

Công an tỉnh lâu nay chỉ làm từ ngọn thôi, nay phải làm tận gốc, diệt tận gốc từ mục đích, động cơ phá rừng. Ngoài trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm còn có trách nhiệm của địa phương và sự phối hợp của các cơ quan tư pháp để xử lý nghiêm tình trạng phá rừng.  

Phải chỉ đạo cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc

Phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần có giải pháp đồng bộ hơn để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Diễn nhấn mạnh: "Trên 7.000 hộ dân chiếm giữ 23.000 ha đất rừng trái phép. Tôi cho đây là một vấn đề lớn, đề nghị UBND tỉnh hết sức lưu ý để có giải pháp xử lý cho phù hợp. Việc xử lý hành chính kết hợp xử lý hình sự chúng ta nói rất nhiều. Tuy nhiên, vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở vẫn chưa nhắc đến thỏa đáng, nhất là cán bộ xã". 

Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý. "Hiện nay, công an xã đã được tăng cường thành lực lượng chính quy nên lực lượng công an cần có những chỉ đạo, giúp cơ quan hành chính của xã xử lý nghiêm. Nếu chúng ta thấy phá rừng nhỏ, ít mà cho qua, nhưng đến khi nhiều thì chúng ta không đủ điều kiện xử lý pháp luật. Chúng ta không mong muốn điều đó, nhưng khi điều đó xảy ra thì phải có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, bảo vệ tài sản quốc gia. UBND tỉnh cần phải chỉ đạo, cả hệ thống chính trị các cấp vào cuộc, chính quyền cần phát huy tinh thần trách nhiệm hơn".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá rừng diễn biến phức tạp làm nóng nghị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO