Phát triển tài nguyên rừng: Còn nhiều "rào cản"

Hồng Thoan| 16/05/2018 09:37

Thời gian qua, bên cạnh những "rào cản" như cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp, kinh phí ít, thì vấn đề được coi như nghịch lý trong nhiệm vụ trồng rừng đó là thiếu quỹ đất, nhưng là thực tế đang diễn ra.

ADQuảng cáo

Với mục tiêu từng bước nâng độ che phủ rừng, ngoài việc tăng cường quản lý tốt diện tích rừng hiện có thì công tác trồng rừng hằng năm được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc triển khai công tác trồng rừng hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Nghịch lý thiếu quỹ đất

Theo Quyết định số 1474 ngày 8/9/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh là 296.439, 48 ha, trong đó đất có rừng 231.165,93 ha và đất chưa có rừng 65.273,55 ha. Diện tích đất chưa có rừng gồm: rừng phòng hộ 11.335,76 ha, rừng đặc dụng 4.475,24 ha và rừng sản xuất là 49.462,55 ha. Như vậy, để khôi phục và phát triển rừng bền vững, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần tăng cường phát triển rừng đối với 65.273 ha đất chưa có rừng bằng các biện pháp phù hợp như: trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp, khoanh nuôi tái sinh rừng… Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là hầu như năm nào việc bố trí quỹ đất thực hiện kế hoạch trồng rừng cũng gặp khó.

Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thì đúng là việc không có đất để trồng rừng đã tồn tại lâu nay ở địa phương. Hiện nay, Đắk Song được bàn giao về trên 12.000 ha đất rừng từ các công ty nhưng thực tế hầu hết diện tích này đã bị người dân xâm chiếm. Cụ thể như diện tích của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa có 10.000 ha rừng, đất rừng thì chỉ có 4.000 ha có rừng, còn lại khoảng 6.000 ha đất không có rừng nhưng việc trồng rừng cũng không khả thi vì đất đai đã bị lấn chiếm. Có những năm, đơn vị này thực hiện trồng rừng nhưng bị phá, nhổ gây thiệt hại đáng kể.

Rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Ảnh: Công Tính

Không chỉ ở Đắk Song, các địa phương khác như Tuy Đức, Krông Nô… cũng nêu lên thực tế này. Chưa kể đến, hằng năm, diện tích rừng bị thu hẹp do phá rừng trái phép cần đưa vào trồng thay thế cũng không hề ít. Chỉ đơn cử, số liệu thống kê, trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý 654 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, diện tích rừng thiệt hại 327 ha. 4 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 368 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, riêng phá rừng trái pháp luật 213 vụ, diện tích rừng thiệt hại 81 ha.

Vậy nên khi giao kế hoạch trồng rừng, các địa phương đều nêu lên một thực trạng chung là không bố trí đủ quỹ đất hoặc nếu có thì "vướng” do tranh chấp với người dân !

Vướng về cơ chế, chính sách

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quỹ đất bị lấn chiếm thì trình tự, thủ tục, nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng thấp cũng đang là vấn đề  gây cản trở lớn cho trồng rừng của tỉnh.

ADQuảng cáo

Cụ thể, theo quy định thì loại đất đưa vào trồng rừng sản xuất, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc. Đất cũng được quy hoạch là rừng sản xuất, được cấp có thẩm quyền giao hoặc cho thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp.

Theo quy định này thì diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển rừng thuộc các chủ rừng mà không bị lấn chiếm, sử dụng trái phép chiếm tỷ lệ nhỏ, diện tích đất chưa có rừng lớn, được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phần lớn đang bị người dân lấn chiếm sử dụng trồng cây dài ngày, ngắn ngày chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn lại là diện tích đất trống có khả năng thực hiện trồng rừng nhưng lại nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Như vậy, có thể thấy phần lớn quỹ đất của tỉnh không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: Thực tế trong năm 2017, các hộ dân trên địa bàn cũng đã trồng được khoảng 180 ha rừng, chủ yếu ở xã Đắk R’măng nhưng do không nằm trong diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp nên không được hỗ trợ kinh phí. Việc trồng trên diện tích như thế này rất tích cực bởi bà con trồng trên diện tích đất trống, đồi núi trọc, góp phần tăng độ che phủ, nhưng nếu không hỗ trợ thì sẽ khó tạo được động lực chăm sóc, quản lý, bảo vệ.

Cùng với đó, hiện nay vấn đề kinh phí hỗ trợ trồng rừng cũng gặp khó. Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì mặc dù đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp - PTNT bố trí khoảng 10 tỷ đồng vốn để triển khai công tác trồng rừng năm 2017 tại Báo cáo số 231/BC - UBND, ngày 4/5/2017 của UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có. Về nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng năm 2018, theo Quyết định số 263/QĐ - UBND, ngày 12/2/2018 của UBND tỉnh về giao kế hoạch trồng rừng tập trung và trồng rừng thay thế năm 2018 đợt 1 thì diện tích trồng rừng thực hiện chính sách theo Quyết định 38 khoảng 1.100 ha. Để trồng được diện tích trên cần kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, trong đó tỉnh mới bố trí 4 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương vào tháng 1/2018.

Rừng trồng trên địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong). Ảnh: Bình Minh

Cần một cơ chế đặc thù

Mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Đắk Nông do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng chủ trì vào ngày 19/4/2018 cũng đã bàn về các biện pháp gỡ vướng cho công tác trồng rừng hiện nay của tỉnh. Theo đó, Ban chỉ đạo đã đi đến thống nhất đề nghị lên Trung ương, các bộ, ngành một cơ chế đặc thù cho tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác trồng rừng cũng như phát triển lâm nghiệp bền vững. Cụ thể, về quỹ đất thực hiện hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo chính sách hỗ trợ của Quyết định 38 thì kiến nghị đồng ý cho tỉnh tổ chức trồng rừng đối với những diện tích chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chí gồm: Chưa được giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng hiện nay người dân đã sử dụng ổn định. Và hơn hết là người dân có nhu cầu trồng rừng, phù hợp với quy hoạch phát triển rừng của tỉnh.

Đắk Nông cũng đề nghị hỗ trợ đầu tư trồng rừng, thuộc diện tích đất trống ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng theo hình thức trồng cây phân tán trên đơn vị diện tích ha hoặc số lượng cây trồng.

Song song với việc đề xuất lên cấp trên một số chính sách đặc thù thì UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan như Nông nghiệp - PTNT, Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch sử dụng 3 loại rừng, đưa ra số liệu chính xác làm căn cứ để xây dựng phương án quản lý, sử dụng, trồng rừng. Các hình thức trồng rừng theo kiểu nông lâm kết hợp cũng sẽ được tỉnh chú trọng gắn với công tác khuyến lâm nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân và góp phần nâng cao độ che phủ rừng toàn tỉnh. Ngoài ra, các giải pháp về xây dựng vườn ươm cây giống lâm nghiệp đạt chuẩn, nghiên cứu loài cây vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vừa có giá trị kinh tế cao, bảo đảm kinh tế cho người trồng rừng cũng được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã chú trọng triển khai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tài nguyên rừng: Còn nhiều "rào cản"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO