Phòng, chống cháy rừng mùa khô ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Lấy phòng làm chính

Đức Hùng| 01/03/2017 09:45

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng hiện có diện tích khoảng 16.000 ha rừng phân bố chủ yếu tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, rừng được xếp vào loại dễ xảy ra cháy khoảng 5.000 ha. Chính vì thế, công tác PCCCR được Khu bảo tồn xây dựng kế hoạch chi tiết và huy động mọi nguồn lực thực hiện tốt các phương án PCCCR.

ADQuảng cáo

Cán bộ, kiểm lâm viên Khu BTTN Tà Đùng gắn bảng tuyên truyền cấm lửa lên cây rừng

Dựa vào các đặc điểm tự nhiên của địa phương cho thấy, thời điểm dễ để xảy ra cháy rừng ở Khu BTTN Tà Đùng được xác định vào tháng 11, 12 và tháng 1, 2, 3, 4 của năm sau. Trong đó, thời gian từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau là thời điểm nắng nóng diễn ra gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động bảo vệ và phòng PCCCR từ trước khi bước vào mùa khô, Ban Quản lý Khu BTTN Tà Đùng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cháy rừng.

Ban Quản lý thực hiện công tác đốt thực bì, gắn bảng tuyên truyền cấm lửa lên cây rừng, bảng nội quy bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng. Bên cạnh đó, các công cụ, phương tiện chữa cháy được đơn vị chủ động sẵn sàng phục vụ khi xảy ra cháy.

Trong những tháng mùa khô, các tổ, đội PCCCR của đơn vị tăng cường công tác tuần tra tại các khu vực trọng yếu dễ để xảy ra cháy rừng, khu vực ranh giới tiếp giáp với rẫy của người dân, đặc biệt tại khu vực dự kiến giao trả về địa phương quản lý. Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng chú trọng vận động nhân dân trong vùng cùng với đơn vị tích cực tham gia vào công tác PCCCR, ngăn ngừa và chữa cháy khi phát hiện có cháy rừng xảy ra.

ADQuảng cáo

Theo phương án PCCCR, Khu BTTN Tà Đùng đã chủ động phát dọn hơn 9 km đường băng trắng nhằm ngăn chặn cháy rừng. Ông Nguyễn Viết Ngọc, Phó Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng cho biết: Nhằm bảo đảm công tác bảo vệ rừng, PCCCR, đơn vị đã xây dựng phương án PCCCR và thành lập được một ban chỉ huy phòng cháy và 4 tổ đội, mỗi tổ từ 4 đến 7 người.

Các tổ đội này đều được huấn luyện, đào tạo kỹ năng và trang bị phương tiện, thiết bị về PCCCR. Đặc biệt, Ban Chỉ huy được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn định kỳ về PCCCR nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo trong công tác PCCCR.

Ngoài việc chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị các công cụ, phương tiện chữa cháy thì đơn vị luôn chủ động phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác trên địa bàn để kiểm tra, đôn đốc đối với 199 hộ nhận khoán rừng để tích cực xây dựng các phương án đối phó với nguy cơ cháy rừng trên diện tích mình nhận khoán.

Ông Y Bang, người nhận khoán rừng tại tổ 3, trao đổi: “Vào mùa này, công tác PCCCR được đặt lên hàng đầu. Tôi nhận khoán rừng được 10 năm rồi, ngoài công tác chăm sóc rừng thì công tác PCCCR mùa khô cũng được tôi quan tâm thực hiện. Để phòng chống cháy rừng, tôi và các hộ nhận khoán đã phát cỏ sạch sẽ tạo đường băng trắng để phòng cháy lan tràn. Học cách dập lửa khi có cháy rừng xảy ra”.  

Ngoài ra, khi xảy ra cháy rừng có thể huy động các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân tự vệ xã và người dân sống gần nơi xảy ra cháy rừng tham gia chữa cháy rừng. Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, canh gác lửa rừng, xây dựng đường băng trắng cản lửa ở những nơi trọng yếu dễ xảy ra cháy rừng, tuyên truyền nhắc nhở người dân khi đốt dọn nương rẫy, sử dụng lửa ở vùng ven rừng phải thận trọng không để lửa cháy lan vào rừng nên Khu BTTN Tà Đùng không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống cháy rừng mùa khô ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Lấy phòng làm chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO