Quản lý bảo vệ rừng: Vi phạm nhiều, phát hiện, xử lý chưa được bao nhiêu

Hà An| 15/10/2014 09:49

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì tính từ năm 2004 đến hết tháng 8 năm 2014, diện tích rừng bị phá đã được thống kê trên địa bàn toàn tỉnh lên đến gần 8.900 ha.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, trong số đó, cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng chỉ phát hiện được 4.073 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng thiệt hại hơn 3.274 ha; 554 vụ khai thác rừng trái phép và 32 vụ vi phạm quy định về phòng chống, cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại hơn 95 ha.

Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 9.678 vụ; trong đó xử lý hành chính 8.950 vụ, khởi tố 436 vụ và chuyển hồ sơ điều tra hình sự 292 vụ, tịch thu 12.769 m3 gỗ các loại và 2.972 máy móc, phương tiện xe, công cụ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 60 tỷ đồng.

Rừng tại tiểu khu 1525 thuộc xã Đắk Ngo (Tuy Đức) bị người dân chặt phá để chiếm dụng đất. Ảnh: S.V

Từ đây cho thấy, số vụ phá rừng trái phép và diện tích rừng bị thiệt hại được phát hiện, thống kê, xử lý còn chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng hơn 40%. Toàn tỉnh còn khoảng 5.600 ha rừng bị phá nhưng không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện nhưng không trình báo, xử lý...

Địa phương có diện tích rừng bị phá nhiều nhất là huyện Tuy Đức với hơn 4.342 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích rừng bị phá toàn tỉnh nhưng hiện cũng mới chỉ phát hiện, xử lý được hơn 681 ha, chỉ bằng 15% tổng diện tích rừng thiệt hại.

ADQuảng cáo

Các địa phương khác như Đắk Glong cũng chỉ phát hiện, xử lý được 37%, Đắk Song xử lý được gần 54%... trên tổng diện tích rừng bị phá. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết phải kể đến năng lực, trách nhiệm của chính các chủ rừng, đối tượng được giao quản lý, bảo vệ rừng còn thấp. Bởi vì, trong số diện tích rừng bị phá chưa được xử lý thì có tới hơn 4.084 ha rừng bị phá thuộc các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ từ năm 2008 đến nay và 1.500 ha rừng bị phá thuộc cộng đồng, hộ gia đình.

Phần lớn các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng chưa quan tâm đến phương án quản lý, bảo vệ nên bố trí nhân lực thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Các đơn vị, nhất là các chủ dự án đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mới chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế trước mắt mà sao nhãng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, để người dân chặt phá, lấn chiếm rừng, đất rừng.

Bên cạnh đó, vai trò phối hợp giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm còn lỏng lẻo nên các vụ phá rừng không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến rất nhiều vụ phá rừng đã “lọt” pháp luật. Ngoài ra, do các quy định ràng buộc giữa người được giao nhận khoán bảo vệ rừng với Nhà nước có phần thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý hiệu quả khi để mất rừng nên các chủ rừng chưa nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ.

Ngoài ra, nhiều trường hợp tuy phát hiện diện tích rừng bị phá nhưng không bắt được quả tang đối tượng vi phạm nên cố tình không khai báo, thống kê số liệu với cơ quan chức năng. Đến khi rà soát, kiểm kê, cơ quan chức năng mới phát hiện diện tích rừng thực tế bị phá chênh lệch rất lớn so với diện tích lũy kế báo cáo hàng năm. Điều này đã và đang dẫn đến một hệ lụy là việc xử lý số diện tích rừng bị phá này rất khó khăn, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ rừng và đối tượng lấn chiếm đất rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê diện tích rừng bị mất, đơn vị sẽ tham mưu cho tỉnh về hình thức xử lý đối với các đơn vị, cá nhân để mất rừng. Cụ thể, theo quy định hiện nay thì các đơn vị, cá nhân để mất rừng buộc phải trồng lại rừng thay thế. Việc xác định cụ thể từng diện tích rừng bị phá thời gian qua tại mỗi dự án là không khó bởi căn cứ vào diện tích rừng dự án được giao ban đầu và diện tích rừng thực tế qua kết quả rà soát, kiểm kê.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là phần lớn các diện tích rừng bị phá này đang bị người dân lấn chiếm, canh tác, nếu muốn triển khai phương án trồng rừng thay thế thì không có cách nào khác là phải quyết liệt giải tỏa những hộ dân này. Đây được xem như việc rất tốn công sức để giải quyết hậu quả của việc buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, xử lý được các vụ phá rừng trái phép thời gian qua của các chủ rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bảo vệ rừng: Vi phạm nhiều, phát hiện, xử lý chưa được bao nhiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO